Báo Công An Đà Nẵng

Chiến dịch giải cứu đội bóng U-16 Thái Lan và câu chuyện bên trong hang Tham Luang

Thứ sáu, 13/07/2018 08:32

Cuộc giải cứu các thành viên đội bóng U-16 Thái Lan Wild Boars ra khỏi hang động Tham Luang đã kết thúc thành công hôm 10-7. Đó thật sự là phép mầu. Bởi chỉ hơn 2 tuần trước đó, tất cả dường như vô vọng.

Hình ảnh cho thấy, các thành viên đội bóng nằm trên cáng khi ra khỏi hang. Ảnh: AFP

Cả đội bóng Wild Boars đã trở lại. 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên của họ đã được an toàn, thoát khỏi hang động mê cung Tham Luang ngập trong nước miền bắc Thái Lan, nơi họ đã bị mắc kẹt trong hơn 2 tuần.

Khắp Thái Lan và cả thế giới đều phấn khởi. Khi một đơn vị quân đội Thái Lan tháo dỡ hệ thống máy bơm nước khỏi hang Tham Luang, họ mỉm cười hân hoan trước đám đông những người ủng hộ. Họ chính là những người anh hùng. Nhưng đằng sau những hình ảnh hân hoan đó là vấn đề mà ai trong số tất cả những nhân viên cứu hộ đó đều từng canh cánh: gần 3 tuần giải cứu trong nguy hiểm và lo sợ, trong đó cơ hội thành công hay thất bại là như nhau. Bây giờ, khi nhiệm vụ đã hoàn thành và các cậu bé đã hồi phục trong bệnh viện, câu chuyện đầy đủ về việc giải cứu đã có thể được kể rõ.

Thách thức từ hang động mê cung

Trong những ngày sau khi các thành viên đội bóng bị mất tích, đội cứu hộ không biết họ ở đâu, hoặc liệu họ còn sống hay không. Đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan, vốn có kinh nghiệm trong các tình huống lặn thông thường, đã phải đối mặt với một thách thức chưa từng có. Phát biểu với CNN hôm  12-7 Chỉ huy SEAL của Hải quân Thái Lan, ông Arpakorn Yookongkaew nhớ lại những thách thức ban đầu. Mưa liên tục trong khi hệ thống hang động quanh co dài như một mê cung. Trước tình huống đó, ông Yookongkaew đã lo rằng, hy vọng tìm thấy các thành viên đội bóng là rất mong manh.

Nhiệm vụ dường như “bất khả thi”. Nhưng điều đó đã không ngăn các quan chức địa phương huy động đội ngũ SEAL với 110 người cùng hàng trăm binh sĩ và hàng trăm tình nguyện viên của các nước trên thế giới, quyết tâm tìm kiếm các cậu bé và vị huấn luyện viên. Đội của ông Yookongkaew đều hướng qua các hang động đen tối và đang bị ngập sâu trong nước. Cuối cùng, họ thấy những dấu chân tại một ngã ba và nhen nhóm hy vọng tìm thấy các nạn nhân. Tuy nhiên, nước tiếp tục dâng cao buộc các thành viên SEAL không thể đi xa hơn. Và các máy bơm quy mô công nghiệp đã được đưa đến để hút nước ra ngoài. “Nhưng nước cũng chỉ rút được 1-2cm mỗi ngày”, ông Yookongkaew cho biết.

Bước ngoặt lớn cho cuộc tìm kiếm là khi các chuyên gia lặn nổi tiếng người Anh quyết định vào cuộc. Họ đến hang Tham Luang vào ngày 27-6, 4 ngày sau khi các thành viên đội bóng mất tích. Nhưng tình hình lũ lụt trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm đó. Họ đối mặt với những thách thức quá lớn. “Điều kiện thực sự rất xấu, nước chảy mạnh và trầm tích lơ lửng khuất tầm nhìn. Nói thật, khả năng đi xa tìm kiếm là không nhiều”, ông Whitehouse, một chuyên gia lặn hang động đã nghỉ hưu và hiện là Phó Chủ tịch của Hội đồng Cứu hộ hang động Anh cho biết. Và thực tế là, hơn 1 tuần trôi qua, vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu gì từ các cậu bé.

 Hệ thống bơm nước ra khỏi hang Tham Luang để giải cứu đội bóng nhí. Ảnh: CNN

“Giống như lái xe trong sương mù dày đặc”

Mãi cho đến khi mực nước bắt đầu giảm và khả năng nhìn thấy được cải thiện, các thợ lặn người Anh cùng với 2 người Australia và đội SEAL của Thái Lan bắt đầu lộ trình giải cứu mới. Một lộ trình chặt chẽ được đặt ra. “Bất cứ khi nào các thợ lặn đầu tiên vào hang, họ sẽ theo bảng hướng dẫn và sử dụng ngón tay cái để ra hiệu có thể vào sâu trong hang”, ông Whitehouse giải thích.

“Dưới nước hoàn toàn tối. Bạn có đèn trên đầu nhưng có rất nhiều bùn và bùn lơ lửng khắp nơi. Tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Nó giống như lái xe trong sương mù dày đặc””, ông nói thêm. Và 2 lần đầu vào hang đã không thành công. Nhưng cho đến lần thâm nhập thứ 3, vào ngày 2-7, hai chuyên gia lặn người Anh Rick Stanton, và John Volanthen đã tìm thấy các thành viên đội bóng.

Khi cả hai trồi lên mặt nước, họ thấy các cậu bé và huấn luyện viên trên một mỏm đá cao khoảng 1m so với mặt nước. “Có bao nhiêu người”, ông Volanthen hỏi. “13”, một trong những cậu bé trả lời. “Tuyệt vời”, ông Volanthen đáp lại. Với ông đó thật sự là “một cảnh tượng đáng kinh ngạc”. “Điều duy nhất khi chúng tôi tìm thấy họ là chúng tôi bắt đầu suy nghĩ, bây giờ phải làm gì”, ông nói với CNN. Chỉ huy SEAL của Thái Lan cho biết, kế hoạch ban đầu là vẫn tiếp tục để các cậu bé và huấn luyện viên ở bên trong hang động trong 1 tháng hoặc có thể lâu hơn nữa trong khi chờ lực lượng cứu hộ tìm cách tối ưu nhất, có lẽ thông qua lối vào khác hoặc cho đến khi mực nước giảm.

Nhưng vấn đề đặt ra là các em chỉ ngồi trên một mỏm đá nhỏ đầy nguy hiểm bên trong hang động phức tạp, bao quanh bởi nước lũ và với nguồn oxy hạn chế.     

Đội cứu hộ gây mê để đưa các thành viên đội bóng ra khỏi hang?

Theo đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan, kế hoạch giải cứu đã thay đổi khi các thành viên đội bóng được gây mê và đưa ra ngoài bằng cáng chứ không lặn, giúp việc giải cứu nhanh và thành công hơn.

Theo đoạn băng do đặc nhiệm SEAL chia sẻ trên facebook, các cậu bé được gây mê, mặc đồ bơi và đeo mặt nạ dưỡng khí. Các thợ lặn đặt từng người lên cáng và khiêng ra ngoài. Thông tin này làm bùng nổ tranh cãi trong bối cảnh có nhiều báo cáo mâu thuẫn về số lượng thuốc an thần được sử dụng. Theo CBS News, các thành viên đội bóng chỉ được cho dùng thuốc an thần, chống lo âu. Nhưng theo AFP, các cậu bé được gây mê hoàn toàn. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng bác tin về việc gây mê và cho biết các cậu bé chỉ được cho uống an thần.

Chạy đua với thời gian

Lựa chọn cho các thành viên lặn để ra ngoài rất nguy hiểm. Bởi ngay đối với những chuyên gia lặn, việc vượt hang Tham Luang cũng đã rất khó khăn. Trong khi đó, các cậu bé cũng không biết bơi.

“Các cậu bé có thể không thể sống trong hang. Nhưng nếu mạo hiểm giải cứu, họ cũng sẽ chết. Liệu có nên để các em ở đó và hy vọng nước rút hay không?”, ông Whitehouse đã đặt ra vấn đề như vậy. Khi những người cứu hộ bàn về kế hoạch giải cứu tốt nhất, 4 thợ lặn Thái Lan vẫn ở cùng các thành viên đội bóng, giúp họ ổn định sức khỏe và tinh thần. Quyết định giải cứu càng trở nên phức tạp khi thợ lặn Saman Kunan của SEAL Thái Lan thiệt mạng. Cái chết của Kunan cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc giải cứu như thế nào. Nhưng thời gian không chờ đợi ai cả.

Mưa là mối đe dọa lớn nhất, và rõ ràng là không có cách nào khác để đưa các cậu bé ra ngoài. Ông Whitehouse sắp xếp cho 2 thợ lặn khác vào trong hang động - Chris Jewell và Jason Mallison - và 3 nhân viên hỗ trợ đến Thái Lan cùng với thiết bị mới.

Và cuối cùng, thời điểm quyết định đã được chọn, đó là ngày 8-7. Tại một buổi họp báo, Tỉnh trưởng Chiangrai Narongsak Osottanakorn cho biết, chính quyền quyết định phải hành động ngay lập tức sau một trận mưa lớn vào tối 7-7 với dự báo thời tiết sẽ xấu hơn trong những ngày tới. “Nếu không sẵn sàng trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ mất cơ hội”, ông Osottanakorn nói. 13 thợ lặn nước ngoài, bao gồm cả một bác sĩ, và 5 thợ lặn SEAL của Thái Lan tham gia chiến dịch giải cứu ban đầu.

Các cậu bé được phát bộ đồ lặn chỉ dày 5mm, mặt nạ và bình thở trong khi các thợ lặn khác luôn đi cùng phòng trường hợp bất trắc. Các thành viên trong đội được chia thành 4 nhóm. Huấn luyện viên ở trong nhóm rời cuối cùng. Mỗi cậu bé được 2 thợ lặn dẫn dắt, hướng dẫn qua những đường hầm u ám. Mỗi lần giải cứu mất vài giờ và hầu hết thời gian trôi qua dưới nước. Phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình ra khỏi hang Tham Luang là ki-lô-mét đầu tiên khi các em phải chui qua một kênh hẹp và ngập nước. Sau phần này, các cậu bé được giao cho các đội cứu hộ chuyên biệt, những người sẽ giúp các em đi qua phần còn lại của hang động, phần lớn là nơi các em có thể lội qua. Quá trình giải cứu tương tự đã được lặp lại trong 2 ngày tiếp theo cho đến khi toàn đội và huấn luyện viên được đưa ra ngoài an toàn.

KHẢ ANH