Báo Công An Đà Nẵng

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine

Thứ sáu, 25/02/2022 08:55

Ukraine tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Nga, sau khi Moscow tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở 2 vùng ly khai tại Donbass, Đông Ukraine.

Cảnh sát kiểm tra xác tên lửa rơi xuống đường phố ở thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters

Ngày 24-2, căng thẳng gia tăng ở Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn "chiến dịch quân sự đặc biệt" để bảo vệ Donbass sau khi công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai ở Đông Ukraine.

Theo các nguồn tin, lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ nhiều hướng, gồm phía tây nước Nga, bán đảo Crimea và lãnh thổ Belarus. Lực lượng ly khai miền đông Ukraine cũng mở các cuộc tấn công vào nhiều khu vực do quân chính phủ kiểm soát, chiếm được hai thị trấn tại Lugansk. Tổng thống Putin tuyên bố tình thế khiến Nga phải đưa ra hành động quyết liệt và ngay lập tức, khẳng định hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine đã kêu gọi Moscow hỗ trợ.

Mục tiêu là phi quân sự hóa Ukraine

Trong bài phát biểu trên truyền hình sáng 24-2, Tổng thống Putin cho biết để đáp lại lời đề nghị từ lãnh đạo các nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, ông đã quyết định tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Trong thông điệp phát động chiến dịch, ông Putin cam kết quân nhân Nga sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp và dũng cảm. "Tôi tin tưởng rằng các quân nhân và sĩ quan của Lực lượng vũ trang Nga, những người luôn cống hiến cho đất nước, sẽ thực hiện nhiệm vụ của họ một cách chuyên nghiệp và dũng cảm. Tôi chắc chắn các cấp chính quyền, các chuyên gia chịu trách nhiệm sự ổn định của nền kinh tế, hệ thống tài chính, xã hội, lãnh đạo các công ty và tất cả hoạt động kinh doanh của Nga sẽ hoạt động nhất quán và hiệu quả", ông Putin cho biết.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, "Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine" mà mục tiêu của chiến dịch là phi quân sự hóa Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Ukraine như một phần trong chiến dịch và không nhằm các thành phố của Ukraine và không đe dọa tới dân thường Ukraine. Bộ trên cho hay các phương tiện phòng không của Lực lượng vũ trang Ukriane đã bị áp chế, cơ sở hạ tầng quân sự của căn cứ không quân đã bị vô hiệu hóa và lực lượng biên phòng Ukraine không kháng cự được quân đội Nga. Các binh lính của lực lượng biên phòng Ukraine không có bất cứ kháng cự nào đối với các đơn vị của Nga. Các hệ thống phòng không, cơ sở hạ tầng của các căn cứ không quân của Lực lượng vũ trang Ukraine đều bị vô hiệu hóa.

Tổng thống Putin sau đó cũng kêu gọi quân nhân Ukraine buông vũ khí, rời vùng chiến sự đồng thời cam kết những người này sẽ được tự do rời khỏi vùng chiến sự. "Đừng thực hiện những mệnh lệnh bất hợp pháp! Tôi kêu gọi các bạn hãy ngay lập tức buông vũ khí và trở về nhà. Tôi sẽ nói rõ ràng: Tất cả những quân nhân của quân đội Ukraine làm theo điều trên sẽ được phép tự do rời khỏi khu vực chiến sự và về với gia đình", ông Putin nói.

Ukraine cắt quan hệ ngoại giao với Nga

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine sau đó tuyên bố "chiến tranh với Nga đã bắt đầu", đồng thời ban bố thiết quân luật trên toàn lãnh thổ. Ukraine cũng đã thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Nga.

Hiện các thông tin liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn vô cùng hỗn loạn. Hãng tin Aljazeera dẫn lời ông Oleksii Arestovich, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết, ít nhất 40 người ở Ukraine đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, quan chức này không nêu cụ thể liệu trong số này có dân thường thiệt mạng hay không. Trong khi đó, quân đội Ukraine nói rằng, khoảng 50 binh sĩ Nga thiệt mạng trong chiến dịch này. Tuy nhiên, các thông tin này hiện chưa có kiểm chứng.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Nga đã tấn công vào các căn cứ quân sự của Ukraine, trong một phần của chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, quân đội Nga tuyên bố không tấn công vào các thành phố của Ukraine, trái với cáo buộc của các bên khác. Thông cáo khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga không đe dọa đến dân thường ở Ukraine. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Alekseevich Nebenzya cũng khẳng định, căn nguyên của cuộc khủng hoảng xuất phát từ chính phủ Ukraine, nói rằng họ đã không tuân thủ nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, nước này "không ngạc nhiên" trước việc Kiev cắt quan hệ ngoại giao với Moscow. Nga nhấn mạnh rằng, việc cắt quan hệ song phương giữa 2 nước "không phải là lựa chọn" của Moscow. Nga cũng cho rằng, động thái cắt quan hệ của Kiev là "một kết quả hợp lý cho chính sách bài Nga" của chính quyền Ukraine.

Thế giới phản ứng ra sao?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Nga "không xâm lược Ukraine" và cho biết Moscow có quyền đưa ra quyết định trên cơ sở lợi ích của họ.

Trong buổi họp báo ngày 24-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng, bày tỏ tin tưởng rằng "mối quan ngại an ninh chính đáng của các bên liên quan sẽ được tôn trọng". Bà Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình Ukraine. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cảnh báo tình hình tại nước này "xấu đi đáng kể". "Các vụ tập kích diễn ra ở nhiều thành phố, các hoạt động quân sự đang được triển khai", đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cho biết ngày 24-2. Cơ quan này khuyến cáo công dân ở trong nhà, tránh xa cửa sổ hoặc cửa kính, cảnh báo "bạo loạn nghiêm trọng" có thể xảy ra trên đường phố. Các công dân Trung Quốc nếu đang lái xe trên đường nên dán quốc kỳ ở khu vực dễ thấy trên xe.

Trong khi đó, phương Tây cảnh báo sẽ có hành động quyết đoán với các hành động của Nga. Các nước NATO cũng đã kích hoạt tham vấn khẩn cấp, xem xét hỗ trợ Ukraine. Ba Lan và 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania đã kích hoạt Điều 4 trong Hiệp ước NATO để tham vấn khẩn cấp cùng các đồng minh, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Đông Ukraine. Phát biểu ngày 24-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Nga chấm dứt ngay tức thì các động quân sự tại Ukraine. Anh, Italia, Nhật triệu đại sứ Nga để yêu cầu giải thích về chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, trong khi nhiều nước tiếp tục chỉ trích Moscow.

Tuy nhiên, NATO không có kế hoạch triển khai quân sự tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Không có quân đội NATO nào ở bên trong Ukraine, chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch tăng cường triển khai quân đội NATO nào tới Ukraine".

KHẢ ANH