Báo Công An Đà Nẵng

Chiến dịch quốc gia về tiêm phòng sởi-rubella: Đà Nẵng chỉ còn chờ vaccine!

Thứ năm, 04/09/2014 08:42

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 8-9, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi sẽ bắt đầu được triển khai trên toàn quốc. Đà Nẵng nằm trong chiến dịch này, sẽ thực hiện  thế nào? Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có buổi trao đổi với Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Đà Nẵng về công tác chuẩn bị trước chiến dịch này.

 

P.V: Hiện Trung tâm đã triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella đến đâu, thưa ông?

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh: Hiện tại Trung tâm đang triển khai tiêm vaccine viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi với khoảng hơn 66 nghìn trẻ được tiêm trong đợt này. Về chương trình chiến dịch quốc gia về tiêm phòng sởi - rubella thì sẽ được triển khai từ giữa tháng 9-2014 đến tháng 2-2015 với 3 đợt là từ tháng 9-10 sẽ tiêm phòng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; từ tháng 11-12 sẽ tiêm phòng cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi và từ tháng 1 - 2 - 2015 sẽ tiêm phòng cho trẻ từ 11 đến 14 tuổi. Đây là chương trình mang tính diện rộng và triển khai rộng khắp với khoảng hơn 200.000 trẻ được tiêm phòng trong đợt này. Riêng các trẻ từ 6 đến 14 sẽ được tiêm trực tiếp ở các trường học. Về công tác hậu cần thì chúng tôi đã chuẩn bị rất cơ bản, các xã phường đã được tập huấn về chương trình cũng như cách tiêm phòng trong đợt này. Tuy nhiên, hiện nay vaccine vẫn chưa được cung cấp về Đà Nẵng. Dự kiến trong vài ngày đến chúng tôi sẽ có vaccine này.

P.V: Ông đánh giá thế nào về chiến dịch này cũng như ý thức người dân về tiêm phòng các loại vaccine?

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh: Thực ra về ý thức của người dân thì hiện nay đã tăng lên rất nhiều, thậm chí có nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra để tiêm chủng trước. Tuy nhiên, vừa qua có rất nhiều thông tin trái chiều về việc tiêm phòng vaccine. Chúng tôi đã cho tiến hành rà soát lại tất cả các nơi tiêm phòng - 56 trạm y tế, xã, phường - theo hướng bố trí một chiều (nghĩa là đăng ký xong vào tiêm phòng rồi đi ra ngoài), nên sẽ tránh được tình trạng lộn xộn như trước đây. Hơn nữa công tác chuyên môn đã dần được đảm bảo nên người dân hoàn toàn yên tâm khi tiêm phòng tại các điểm xã, phường.

Chúng tôi làm trong nghề nên rất hiểu tâm lý người dân khi đi tiêm phòng nhưng do công tác tại các đơn vị bộ phận dưới thường rất nhiều việc nên quá trình tư vấn cho người nhà bệnh nhân cũng không được kỹ càng, gây tâm lý lo lắng. Điều đấy khiến trong thời gian qua, trung tâm đã bị dồn ứ người đến tiêm phòng. Sự quá tải này khiến chúng tôi đã không chăm sóc tốt lại thêm thiếu hụt về vaccine trong quá trình tiêm phòng. Vì vậy, trong đợt chiến dịch này, chúng tôi đã triển khai công tác hậu cần rất kỹ và cũng mong muốn người dân hiểu, tin tưởng các cơ sở cấp xã, phường, trạm y tế để giảm tải cho trung tâm cũng như tiết kiệm chi phí cho người dân. Hơn nữa, công tác này đã huy động rất nhiều nguồn lực vào tham gia như hội phụ nữ, cộng tác viên dân số và sức khỏe cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố. Đặc biệt là các cơ sở trường học cũng sẽ chung tay vào trong chiến dịch quốc gia về tiêm phòng sởi và rubella này.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Anh Tuấn
(thực hiện)