Báo Công An Đà Nẵng

Chiến dịch săn lùng “đồ tể số 1 thế giới” (3)

Thứ tư, 25/05/2011 00:00

>> Chiến dịch săn lùng “đồ tể số 1 thế giới” (2)

Kỳ cuối: phiên tòa hàn gắn đau thương

(Cadn.com.vn) - Khi Adolf Eichmann đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa dành cho tội phạm chiến tranh năm 1961, đó cũng là thời điểm đầu tiên trong lịch sử, người Do Thái mới có đủ can đảm để nói về nỗi đau bị diệt chủng.

 “Eichmann đã bị bắt”

Tại một căn phòng kín cơ sở mật ở Argentine của Mossad, cuộc hỏi cung đầu tiên diễn ra, rất ngắn gọn: “Họ và tên thật của ông là gì? ”. “Tôi là Adolf Eichmann”.

Ngay lập tức, Eichmann bị tiêm thuốc mê, mang hộ chiếu giả, bị tống lên máy bay của Hãng Hàng không El- Al, lẫn trong đoàn đại biểu các quan chức cấp cao chính phủ Israel sang dự lễ kỷ niệm 150 năm Ngày Độc lập Argentine. Máy bay cất cánh, bay trở về thủ đô Tel-Aviv ngay trong đêm 21-5-1960. Hai ngày sau, trong một cuộc họp của Knesset (Quốc hội Israel), David Ben Gurion - Thủ tướng chính phủ và người sáng lập nhà nước Do Thái Israel thông báo tin vui bất ngờ: “Các lực lượng an ninh Israel đã tìm thấy một trong những tội phạm Đức Quốc xã lớn nhất, Adolf Eichmann, người đã cùng với các lãnh đạo khác của phát-xít Đức hủy diệt 6 triệu người Châu Âu Do Thái. Adolf Eichmann sẽ sớm bị đưa ra xét xử theo pháp luật”.

Trên khắp thế giới, các tờ báo giật tít đề lớn ngay trang nhất về thông tin này: “Eichmann đã bị bắt”. Người Do Thái ở khắp mọi nơi vui mừng khi kẻ thù số 1 của họ cuối cùng đã bị bắt sau 15 năm lẩn trốn. Một vài tuần sau đó, tạp chí Time công bố chi tiết vụ Mossad bắt cóc Eichmann. Bài báo khẳng định những nghi ngờ của chính quyền Argentine rằng, Israel đã vi phạm chủ quyền của mình bằng cách gửi các điệp viên bí mật vào bên trong lãnh thổ Argentine. Chính quyền Israel lúc đầu phủ nhận đã đứng sau âm mưu bắt cóc Eichmann và tuyên bố rằng một nhóm hoạt động cá nhân Do Thái đã làm việc này.

Adolf Eichmann (trong lồng kính chống đạn) tại phiên tòa năm 1961. Ảnh: Trutv 

Tuy nhiên, cuối cùng, Israel đã lên tiếng xin lỗi chính quyền Buenos Aires nhưng từ chối dẫn độ Eichmann về Argentine. Argentine đệ đơn lên HĐBA LHQ cáo buộc Israel vi phạm hiến chương LHQ. Sự căng thẳng chính trị tiếp tục gia tăng trong nhiều tuần sau đó, nhưng rồi nỗi đau quá lớn của người Do Thái đã xoa dịu mối căng thẳng này.

Phiên tòa “hồi sinh” người Do Thái

Ngày 11-4-1961, ngày đầu tiên bắt đầu phiên tòa ở Jerusalem, thư ký tòa án đã đọc bản 15 tội trạng chống lại Adolf Eichmann.

Ông ta bị cáo buộc tội ác chống lại loài người khi là “tác giả” lên kế hoạch giết 80.000 người ở Lithuania; 30.000 người ở Latvia; 45.000 người ở Byelorussia; 75.000 người ở Ukraine và 33.000 người ở Kiev. Tòa còn buộc tội Eichmann là kẻ đã ra lệnh lập cơ sở tử hình tập thể 500.000 người Do Thái tại Hungary năm 1944; đẩy hàng triệu người trên khắp Châu Âu vào kiếp nô lệ làm việc trong các trại lao động bị cưỡng bức; bắt buộc phụ nữ Do Thái phá thai; đàn ông Do Thái triệt sản. Và cuối cùng, Eichmann bị cáo buộc là kẻ chỉ huy của toàn bộ cấu trúc hoạt động tàn bạo của chế độ phát-xít Đức, gây ra nạn đói, hủy hoại và giết chết hàng triệu người trước và trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, Eichmann luôn tuyên bố rằng, ông ta không biết hoặc không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. “Tôi chỉ nghe theo và tuân lệnh cấp trên. Chưa bao giờ tôi có làm điều gì mà không do lệnh từ cấp trên (Hitler hay Himmler)", ông ta biện hộ. Trong phiên tòa đặc biệt này, Eichmann phải nghe xử trong một lồng kiếng chống đạn để tránh sự phẫn nộ của những nhân chứng là người Do Thái còn sống sót sau cuộc đại diệt chủng. Hình ảnh Eichmann đứng trước phiên tòa đánh dấu sự kiện  lần đầu tiên trong lịch sử, người Do Thái mới có đủ can đảm để nói về nỗi đau bị diệt chủng, xoa dịu vết thương quá lớn trong quá khứ.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào ngày 15-12-1961, sau một thời gian thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan đến tội ác tày trời của Adolf Eichmann. Tại phiên tòa này, Eichamnn đã bị kết án với 15 tội danh như trên, trong đó có tội diệt chủng. Tuy nhiên, sau đó kẻ tội đồ của người Do Thái vẫn đệ đơn kháng án lên Tòa án Tối cao Israel theo đúng luật pháp. Ngày 29-5-1962, Tòa án Tối cao Israel đã bác đơn chống án của Eichmann. Trong bản án Chánh án Tòa án Tối cao tuyên bố: “Eichmann nói rằng, ông ta chỉ nghe lệnh trên, song chính ông ta là cấp trên của chính mình. Kế hoạch “Giải pháp tối hậu” sẽ không biến thành cuộc Đại đồ sát dân Do Thái nếu không có đầu óc cuồng tín và lòng dạ khát máu của bị cáo và đồng lõa”.

Tuy nhiên, cho đến ngày 31-5-1962, Eichmann vẫn mòn mỏi chờ đợi quyết định ân xá của Tổng thống Israel Ben-Zvi. Trong ngày hôm đó, Tổng thống Ben-Zvi đã nhận được hàng trăm điện tín và các thỉnh cầu tha tội cho kẻ giết người phát- xít Đức. Tổng thống Ben-Zvi không đồng ý. Ông đưa ra một tuyên bố ngắn gọn với báo chí, trong đó quyết định “không sử dụng đặc quyền của mình để ân xá hay giảm án trong trường hợp của Adolf Eichmann”. 19 giờ ngày hôm đó, Eichmann được ăn bữa cơm cuối cùng. Và ngay sau đó, án tử hình duy nhất trong lịch sử Isarel được thi hành.

“Kẻ sát nhân kinh khủng nhất mọi thời đại” đã bị xử tử bằng cách treo cổ. Israel ra thông báo ngắn gọn: “Adolf Eichmann đã bị xử từ bằng hình thức treo cổ vào ngày hôm nay theo quyết định của Tòa án Jerusalem ngày 15-12-1961”. Xác của Adolf Eichmann sau đó bị đốt và hài cốt được rắc xuống biển Địa Trung Hải, để không còn mộ phần của Eichmann và sau này không có cơ hội cho người khác lập lễ tưởng niệm.      

50 năm hàn gắn

Tháng 12 năm nay, Israel sẽ kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra phiên tòa xét xử Adolf Eichmann. Lễ kỷ niệm này lại khơi dậy nỗi đau vẫn âm ỉ cháy trong lòng quốc gia Do Thái này về một quá khứ đen tối và kinh hoàng.

Thanh Văn