Báo Công An Đà Nẵng

Chiến lược Trung Đông hậu đảo chính Ai Cập

Thứ bảy, 06/07/2013 11:07

(Cadn.com.vn) - Chiến lược Hồi giáo của Mỹ ở Trung Đông đã sụp đổ sau cuộc đảo chính quân sự ở Ai Cập.

Thi Tổng thống Barack Obama phải ngồi lại với các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu để bàn cách đối phó với diễn biến ở Ai Cập sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống được bầu cử Morsi, ông chủ Nhà Trắng thực sự rất khó nghĩ.

 

 Quân đội Ai Cập tuần tra trên đường phố sau đảo chính. Ảnh: CNN

MỸ TÌM KIẾM “CƠ HỘI MỚI”

Ông có thể tuyên bố diễn biến ở Ai Cập là cuộc đảo chính và đình chỉ viện trợ quân sự, hoặc ông sẽ đồng ý với hành động này, chứng tỏ phản ứng bất mãn với chính quyền do Tổ chức Anh em Hồi giáo (BMO) kiểm soát. Nhưng ông Obama đã đứng ở thế trung lập.

Động thái này cũng đã phản ánh rõ ràng cách tiếp cận của ông Obama đối với “Mùa xuân Arab”: bước đi cẩn trọng và không mang theo một “cây gậy lớn hay củ cà rốt”. Phong cách “chơi an toàn” của Tổng thống Obama thường thấy sau bài học chiến tranh ở Iraq vả cả Afghanistan. Nhưng nó cũng để lại những chỉ trích nặng nề về việc “nhượng lại” ảnh hưởng truyền thống ở khu vực Trung Đông của Washington cho các ông lớn khác.

Rõ ràng, ở những nơi khác khắp Trung Đông, Mỹ cũng nhúng tay - trong nỗ lực dẫn đầu liên minh lật đổ cố Tổng thống Muammar Gaddafi ở Libya. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại có cách tiếp cận thận trọng đối với nội chiến Syria, nơi có hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người tị nạn. Ông để cho Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Arab đi đầu trong nỗ lực can thiệp quân sự ở quốc gia Trung Đông này và miễn cưỡng đồng ý gửi vũ khí cho phe nổi dậy hồi tháng trước. “Bạn rất dễ trượt dài trong những lời hứa”, Tổng thống nói như một lời biện minh cho cách tiếp cận thận trọng của ông cho Syria.

Tổng thống Obama cố chứng tỏ sự thờ ơ với bộ phim truyền hình xung đột dài tập Trung Đông. Bất chấp những chuyến đi con thoi trong thời gian qua của Ngoại trưởng John Kerry đến khu vực nóng bỏng này, ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa hề tham gia nỗ lực này của ông Kerry. Có lẽ vì thế mà tân Ngoại trưởng Mỹ cũng đã chuyển trọng tâm đến Châu Á – Thái Bình Dương đúng như chính sách xoay trục quan trọng của Mỹ.

Mặc dù các quan chức Mỹ bác bỏ lời buộc tội không quan tâm đầy đủ đến Trung Đông, nhưng sự thật rõ ràng, chính quyền Obama đã ở giữa  trục đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bận rộn với các sự kiện ở trong nước như mở rộng chăm sóc sức khỏe...

Khi các quan chức Nhà Trắng thường xuyên nói về các giới hạn của Washington trong việc định hình cuộc cách mạng Arab đã quét qua Bắc Phi, Syria và Yemen, việc Tổng thống Morsi bị lật đổ ở Ai Cập mang đến cơ hội thứ hai cho Mỹ - quốc gia hằng năm đều đặn rót hàng tỷ USD viện trợ cho quân đội Ai Cập. Nhiều người lo ngại Washington sẽ đình chỉ khoản viện trợ này vì có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định ở Trung Đông. Nhưng ông Obama chắc chắn sẽ không làm thế mà có thể sẽ tăng viện trợ phi quân sự hiện nay, chỉ ở khoảng 250 triệu USD trong tổng số 1,5 tỷ USD cho Cairo, đồng thời gửi các phái viên để giúp tư vấn về một quá trình chuyển đổi dân chủ ở Ai Cập.

Nhưng việc người dân Ai Cập sẽ lắng nghe phía Mỹ đến mức độ nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

AI CẬP BÙNG PHÁT ĐỤNG ĐỘ ĐẪM MÁU

Đụng độ đẫm máu lại tiếp tục xảy ra tại các thành phố Ai Cập trong ngày 5-7.

Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, 13 người có vũ trang bị bắt giữ vì tham gia vào các cuộc bạo động. Tại Kafr al-Sheikh ở đồng bằng sông Nile, xảy ra các vụ đụng độ dùng cả súng đạn lẫn dao, gậy và đá làm khoảng 190 người bị thương, hầu hết là thành viên BMO. Nhiều ngôi nhà, cửa hàng và trung tâm y tế thuộc BMO bị nhiều đám đông giận dữ tấn công. Nhiều cuộc đụng độ khác cũng xảy ra tại hai thành phố Gharbiya và Minya.

Trong khi đó, Ai Cập lại chứng kiến biểu tình lớn của phe Hồi giáo trên cả nước để phản đối “cuộc đảo chính quân sự” và ủng hộ tính hợp pháp của Tổng thống Morsi, bất chấp lời kêu gọi hòa giải dân tộc của quân đội. Bởi lẽ, dù Washington hối thúc các quan chức Ai Cập tránh “bắt bớ tùy tiện” Tổng thống Morsi, quân đội vẫn tiếp tục truy bắt các thủ lĩnh BMO của Tổng thống Morsi, gây phẫn nộ lan rộng.

Khả Anh