Báo Công An Đà Nẵng

Chiến lược vaccine Covid-19 của Châu Âu: Nhiều nước “rẽ lối”

Thứ năm, 11/03/2021 15:16

Trước tình trạng chiến dịch thu mua và phân phối tập trung vaccine COVID-19 của EU cho cả khối gặp cản trở về nguồn cung, nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự “rẽ lối” tìm đến vaccine của Nga, Israel hay Trung Quốc nhằm lấp đầy lỗ hổng nguồn cung do chiến lược hỗn loạn của khối.

Lô vaccine Sputnik V của Nga được vận chuyển tới Slovakia ngày 1-3.  Ảnh: Getty Images

8 liều/100 dân

EU đã lựa chọn một cách tiếp cận tập trung đối với việc thu mua và phân phối vaccine, nhưng kế hoạch này lại bị cản trở bởi các vấn đề cung cấp và phân phối. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù là khối đưa ra chiến lược tiêm chủng vaccine từ rất sớm, nhưng đến giờ chỉ có 5,5% dân số trong tổng số 447 triệu người dân EU được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Tại EU, tính trung bình mới chỉ có 8 liều vaccine được phân phối trong 100 người dân, một con số được đánh giá là thấp so với tiềm lực của khối kinh tế này. Tốc độ tiêm vaccine của EU chậm hơn đáng kể so với nhóm dẫn đầu và đây là vấn đề đang gây chia rẽ gay gắt trong nội bộ khối. Anh đang nỗ lực tiêm vaccine nhanh để đưa nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường trong mùa hè này. Mỹ lại dựa vào gói kích thích khổng lồ tiếp theo trị giá 1.900 tỷ USD. Cả hai điều này EU đều không có và có thể khiến họ bị tụt lại phía sau.
EMA đã cấp phép cho 3 loại vaccine, là Pfizer, AstraZeneca và Moderna. Tuy nhiên các nước EU tự mình cấp phép khẩn cấp cho các loại vaccine một cách độc lập, như Anh từng làm tháng 12-2020, khi nước này vẫn còn ở trong giai đoạn chuyển giao hậu Brexit. “EMA đã quá chậm trễ trong việc cấp phép cho các cơ quan dược phẩm. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải tự chuẩn bị để đối phó với các biến chủng và không phụ thuộc vào EU trong vấn đề sản xuất vaccine thế hệ thứ 2”, Thủ tướng Áo Kurz nói. Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen ngày 1-3 cũng đưa ra những bình luận tương tự: "Nỗ lực phân phối vaccine của châu Âu không còn có thể đứng một mình nữa". Bà Frederiksen nói thêm rằng đây là lý do tại sao Đan Mạch và Áo hợp tác để có được số lượng vaccine nhiều hơn.

Tìm đến vaccine Nga và Trung Quốc

Mâu thuẫn giữa công chúng với nhà chức trách, giữa các chính phủ trong EU đã trở thành rào cản lớn trên lộ trình thực hiện chiến dịch chủng ngừa lớn nhất của khối này từ trước đến nay. Khi những bất cập trong chiến lược vaccine tập trung của EU xuất hiện, nhiều nước trong khối đã quyết định tìm thêm những lựa chọn khác. Nhiều nước đang tìm đến Nga và Trung Quốc nhằm tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung vaccine thông qua những hợp đồng mua sắm đơn phương. 

Hồi đầu tuần, Slovakia phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga, sau khi quá trình cung cấp vaccine Pfizer và AstraZeneca bị đình trệ. EMA hiện chưa bật đèn xanh cho vaccine Sputnik V. "Việc phê duyệt của Slovakia dựa trên kết quả các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V ở Nga và đánh giá toàn diện về vaccine này từ đội ngũ chuyên gia Slovakia", Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị hỗ trợ sản xuất vaccine Sputnik V, hôm 1-3 cho biết. "Chúng tôi đã nhận được yêu cầu cung cấp trực tiếp Sputnik V từ nhiều quốc gia Châu Âu dựa trên đánh giá từ chính các cơ quan quản lý của họ", Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành RDIF, cho hay.

Slovakia là nước thứ hai của EU phê duyệt độc lập vaccine Sputnik V, sau Hungary, nước đã bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc từ tháng trước. Hungary cũng là quốc gia Châu Âu đầu tiên triển khai vaccine do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất, dù chúng chưa được EMA thông qua. "Tiêm chủng không phải vấn đề chính trị mà là vấn đề về hiệu quả và độ tin cậy", Bộ trưởng Truyền thông và Quan hệ Quốc tế Hungary Zoltan Kovacs cho biết. "Chúng tôi nhận thấy vaccine của cả Trung Quốc và Nga đang được sử dụng ở rất nhiều nơi trên toàn thế giới".

Hungary cũng đặt hàng vaccine từ Pfizer, Moderna và AstraZeneca thông qua EU, nhưng ông Kovacs cho hay chiến lược tập trung của khối đã không thể đáp ứng được kỳ vọng. "Rõ ràng chiến lược này đã thất bại nếu so với Anh, Israel hay thậm chí là Mỹ. Bộ máy hành chính của EU đã không thể đưa ra các giải pháp nhanh chóng và ngay lập tức liên quan đến những hợp đồng vaccine, chúng ta đang bị tụt lại phía sau ít nhất hai tháng", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Czech Milos Zeman hôm 28-2 cho biết quốc gia này có thể triển khai vaccine Sputnik V nếu được cơ quan quản lý trong nước cấp phép. "Tôi đã gửi cho Tổng thống Putin yêu cầu chuyển vaccine Sputnik V. Theo tôi được biết, yêu cầu đã được chấp thuận, nhưng tất nhiên chúng tôi vẫn cần chứng nhận từ cơ quan quản lý y tế", ông nói.

Hạn chế xuất khẩu vaccine sang nước khác

Trước tình trạng một số nước EU rẽ lối đi riêng, các nhà lãnh đạo EU cho biết đang tập trung vào việc đưa chiến dịch tiêm chủng của khối trở lại đúng hướng.  "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tăng tốc độ sản xuất, cung cấp vaccine và tiêm chủng trên khắp EU", Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết. Hiện EU đang đối mặt với một cuộc chạy đua để khắc phục việc triển khai vaccine, trong khi vẫn phải tìm cách giữ niềm tin của các quốc gia thành viên đang lo lắng tìm kiếm giải pháp ở nơi khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, sau khi cơ chế này chính thức kết thúc vào ngày 31-3 tới. Cơ chế của EU được đưa ra từ cuối tháng 1-2021, như một phản ứng của khối trước những thông báo hoãn chuyển vaccine Covid-19 của các nhà sản xuất cho khối. Nhiều quốc gia EU bày tỏ ủng hộ với biện pháp này, trong đó có các quốc gia có tiếng nói như Đức và Pháp.

AN BÌNH

Chile vượt Israel trở thành nước tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất thế giới

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chính phủ Chile tuyên bố trên Twitter ngày 9-3 sau khi tổ chức Our World in Data công bố dữ liệu: “Hôm nay, chúng ta có thêm một lý do mới để tự hào. Chile đã chiếm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng toàn cầu về tỉ lệ tiêm vaccine cho 100 dân”.

Theo đó, Chile đã tiêm trung bình 1,08 liều vaccine/ngày/100 dân trong 7 ngày qua. Trong khi Israel đã tiêm trung bình 1,03 liều/ngày/100 dân. Chile, cùng với Mexico và Costa Rica, là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên bắt đầu tiêm chủng cho người dân và đã sớm đàm phán về việc mua vaccine. Kết quả là các cuộc đàm phán đã đảm bảo được 35 triệu liều và 10 triệu trong số đó đã được phân phối. Hầu hết vaccine được sử dụng trong khu vực đều của Cty Sinovac Trung Quốc. 

Chile, quốc gia có 18 triệu dân, dự kiến sẽ tiêm chủng cho toàn bộ dân số vào tháng 6. Trong khi đó, Israel đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số 9,3 triệu người và đang thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế trong tuần này.