Báo Công An Đà Nẵng

Chiến sĩ du kích mật diệt 3 kẻ ác ôn khét tiếng

Thứ sáu, 03/04/2020 18:52

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, cậu bé Đào Tất Thanh (1942, trú thôn 5, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được đào tạo tham gia lực lượng du kích mật, trục tiếp tiêu diệt 3 kẻ ác ôn khét tiếng, đánh thắng nhiều trận tạo nên tiếng vang lớn. Đất nước thống nhất, ông Thanh còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Ông Đào Tất Thanh vừa được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Tuổi trẻ kiên dũng

Ông Thanh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, lúc nhỏ ông cùng gia đình đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ban ngày, ông đi học văn hóa, tối về được các cán bộ cách mạng đào tạo nghiệp vụ để hoạt động bí mật, làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Đến năm 1962, ở tuổi 20, ông tham gia lực lượng du kích mật trực tiếp chỉ huy 6 chiến sĩ làm nhiệm vụ theo dõi mọi "nhất cử nhất động" của quân giặc, kịp thời báo cáo lên tổ chức nắm. Lúc này, nhận lệnh từ cấp trên, ông Thanh cùng các đồng chí mật phục, ám sát thành công 3 kẻ ác ôn khét tiếng đã sát hại nhiều chiến sĩ cách mạng, đàn áp nhân dân.

 "Ở xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương) lúc đó có 3 kẻ ác ôn khét tiếng, đó là ấp trưởng Lê Nhất, ấp trưởng Đinh Thu và Chủ tịch xã Phan Công Ích. Mặc dù lực lượng cách mạng đã nhiều lần gửi thư khuyên hàng, góp sức chống giặc để đất nước sớm giành độc lập nhưng 3 kẻ này không những ngoan cố không chấp thuận, mà còn tăng cường đàn áp. Do đó, lãnh đạo Đảng bộ quận Hiếu Đức (nay là H. Hòa Vang) ra lệnh phải tiêu diệt. Nhận lệnh từ cấp trên, tôi đã trực tiếp theo dõi hành tung của ấp trưởng Lê Nhất, nắm được thông tin ông ta sẽ về thăm vợ lớn liền mật phục bắn chết. Tiếp đến, tôi cùng 3 chiến sĩ du kích phục kích ám sát thành công tên ấp trưởng Đinh Thu. Sau những phi vụ ám sát thành công, ông Phan Công Ích cẩn trọng hơn, tổ chức lính đi theo bảo vệ dày đặc. Sau thời gian theo dõi, phát hiện ông ta điều khiển xe máy rời trụ sở xuống trung tâm thành phố tôi đã cử 2 chiến sĩ Lê Hoàng Gia và Đặng Ngọc Hoàng theo dõi, ám sát. Khi ông Ích đến một quán cà-phê tại chợ Cồn uống nước, các chiến sĩ đã gài mìn vào xe máy nhưng mìn bị hỏng không nổ. Quyết tâm truy sát kẻ ác đến cùng, chiến sĩ Lê Hoàng Gia chạy về thông báo tôi phối hợp truy sát, tiến hành theo dõi đến đoạn đường vắng liền ném mìn trực diện vào người khiến ông ta bị phanh thây tại chỗ"- ông Thanh kể lại.

Lúc quân giặc thực hiện chiến lược dồn dân lập ấp chiếc lược, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân đã gây nhiều khó khăn cho quân ta. Trước tình hình đó, ông Thanh đã cùng 6 chiến sĩ lập mưa phá tan ấp chiến lược, đưa hơn 500 người dân trở về nhà bình an. "Ban ngày người dân làm, nhưng đến chiều tối sẽ bị quân lính lùa về ấp chiến lược nhằm tách cách mạng ra khỏi dân. Người dân bức xúc phản ứng thì bị bọn chúng đánh đập rất dã man. Sau thời gian nghiên cứu địa thế, tôi cùng các chiến sĩ nghĩ ra kế vận động người dân mang rơm vào ấp, tối đến sẽ châm lửa quanh hàng rào đốt, đồng thời dùng loa thông báo giả làm lực lượng cách mạng về tấn công khiến bọn lính khiếp sợ, không dám nổ súng. Sau đó, người dân đã phá ấp chiến lược trở về nhà của mình"- ông Thanh nhớ lại.

Với thành tích chiến đấu, ông Thanh được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Còn sức, còn cống hiến

 "Ngày 19-10-1963, cán bộ Huyện ủy Mai Ngọc Châu đã tổ chức buổi lễ kết nạp Đảng cho tôi. Đến bay giờ, tôi vẫn không thể quên giây phút hạnh phúc đó. Lúc đó đã khuya, tại căn nhà hoang trên đồi, trước lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới và hàng chục cán bộ đảng viên, tôi đã làm lễ tuyên thệ tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, đường lối giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết chiến đấu giết giặc đến hơi thở cuối cùng giành độc lập cho nhân dân, thống nhất nước nhà... Sau buổi lễ, tôi được giao nhiệm vụ làm Xã đội trưởng, trực tiếp chỉ huy Đội du kích 30 người chiến đấu"- ông Thanh hạnh phúc bày tỏ. Nhận nhiệm vụ, ông Thanh đã chỉ huy lực lượng đánh du kích hàng chục trận trên địa bàn xã tiêu diệt nhiều quân giặc, thu giữ được nhiều vũ khí để phục vụ chiến đấu. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ông là trận mai phục tiêu diệt 12 tên giặc Mỹ tại đình làng Hương Lam, thu giữ được nhiều vũ khí... Đến tháng 6-1964, ông được giữ chức Bí thư xã, trực tiếp chỉ huy lực lượng chiến đấu.

Năm 1966, giặc Mỹ tăng cường điều tra, sau đó bắt giữ ông Thanh đưa ra nhà tù ở Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng) tra khảo. Biết ông giữ chức Bí thư xã sẽ nắm rõ thông tin về tổ chức và danh sách đảng viên cách mạng ẩn nấp trong dân nên bọn chúng dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ lôi kéo nhưng không thu được kết quả. "Ở trong ngục, bọn chúng hứa sẽ cho tôi giữ chức lớn, nhà cao cửa rộng với yêu cầu tôi khai ra căn cứ cách mạng và các đảng viên nhưng tôi cương quyết không khai. Dụ dỗ không đạt được mục đích, bọn chúng liền chuyển sang dùng mọi thủ đoạn tra tấn, hành hạ. Sau 1 năm không thu được kết quả, bọn chúng chuẩn bị đưa tôi ra tòa kết án thì lực lượng cách mạng đánh vào nhà tù giải cứu. Sau đó, tôi trở về địa phương tiếp tục lãnh đạo chiến đấu, đến năm 1969 nhận nhiệm vụ làm Thường trực Huyện ủy Khu 1. Từ 1974-1975 tôi giữ chức Chính trị viên Huyện đội, kiêm Bí thư Khu 2 chỉ đạo lực lượng chiến đấu giành được nhiều chiến công vẻ vang "- ông Thanh thổ lộ.

Đất nước độc lập, ông Thanh đảm nhận chức vụ cán bộ Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Trưởng phòng văn hóa H. Hòa Vang đến khi về hưu. Với thành tích chiến đấu, ông Thanh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều Bằng khen khác. Năm 2018, ông Thanh được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Hiện ông Thanh tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động chính trị tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

LÊ VƯƠNG