Báo Công An Đà Nẵng

Chiến thắng của Tổng thống Obama

Thứ tư, 07/10/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn ngây ngất trong chiến thắng khi cuối cùng, sau 5 năm đầy căng thẳng và khó khăn, họ đã hoàn tất đàm phán thỏa thuận lịch sử này.

Có thể nói rằng, đây là chiến thắng của Mỹ và Nhật - hai quốc gia đi tiên phong trong việc “thai nghén” TPP, trong đó phải đặc biệt kể đến vai trò của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thật sự không ngoa khi nói rằng, đây là “di sản kinh tế” nổi bật nhất trong thời gian nắm quyền của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, sau những “di sản chính trị” như việc bình thường hóa quan hệ với Cuba và thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt với Iran.

12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương tham gia TPP gồm có Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei, Mỹ, Australia, Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Peru và Nhật. Danh sách này cho thấy, TPP, đại diện cho hơn 40% nền kinh tế toàn cầu, với một tập hợp các quy tắc nhằm tăng cường thương mại và đầu tư tự do, quản lý thương mại kỹ thuật số và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Và quan trọng hơn, TPP có thể giúp rất nhiều cho chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.“Chúng ta không thể để cho các quốc gia như Trung Quốc tự lập ra các quy tắc cho kinh tế toàn cầu. Chúng ta nên có những quy tắc riêng, mở cửa thị trường mới cho sản phẩm của Mỹ trong khi thiết lập các tiêu chuẩn cao cho người lao động và bảo vệ môi trường”, ông Obama nói sau khi các bên đạt thỏa thuận TPP. Đối với nhà lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận này không chỉ đại diện cho nỗ lực lịch sử nhằm bảo vệ thương mại mà còn là nhằm bảo vệ nền kinh tế và môi trường và đặc biệt đảm bảo khả năng cạnh tranh của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phát triển.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh về việc hàng ngàn các loại thuế và thuế quan được loại bỏ nhờ TPP, nhưng quan trọng không kém là những nỗ lực để hài hòa các tiêu chuẩn, loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh và cắt giảm các rào cản quan liêu đối với thương mại và đầu tư trong TPP. Nhưng để chính thức có hiệu lực, TPP sẽ phải cần được Quốc hội và chính phủ các nước phê chuẩn. Và đó là vướng mắc của Tổng thống Mỹ - nơi Quốc hội hiện do đảng Cộng hòa đầy bảo thủ nắm quyền kiểm soát. Các thành viên Quốc hội tấn công thỏa thuận này khi cho rằng, TPP đã “bán rẻ” các doanh nghiệp Mỹ và giúp các doanh nghiệp toàn cầu dễ dàng hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù còn rào cản khá lớn ở Quốc hội, TPP vẫn được người dân Mỹ và các nước hoan nghênh vì có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang bị trì trệ. Và nó có thể tiếp thêm nhiên liệu thúc đẩy Tổng thống Obama đi đến thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng hơn với Liên minh Châu Âu (EU), đó là Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương và Hợp tác đầu tư (TTIP), hiện đang được đàm phán.

Thanh Văn