Báo Công An Đà Nẵng

Chiến tranh Lạnh Nga - Mỹ trong không gian?

Thứ bảy, 07/06/2014 10:13

(Cadn.com.vn) - Mức độ tác động căng thẳng Nga - Mỹ đến an toàn không gian và an ninh toàn cầu như thế nào vẫn chưa thể hiện rõ, song điều này chắc chắn xảy ra.

Căng thẳng Nga-Mỹ được đẩy cao trong thời gian gần đây quanh vấn đề Ukraine. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga buộc Moscow phải phản ứng. Và phản ứng đầu tiên của Điện Kremlin là hợp tác không gian, có khả năng tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới: cuộc chiến trong không gian.

Nga ra đòn

Mối quan hệ hai ông lớn trong lĩnh vực không gian dường như sắp kết thúc.

Mặc dù Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố vẫn duy trì mối quan hệ rất tốt với Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), Moscow tuyên bố sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2020.

Điều này xuất phát từ thông báo đầu năm nay của Mỹ. Theo đó, Washington có ý định mở rộng hoạt động ISS giai đoạn 2020-2024. Ý định rút khỏi ISS của Nga có lẽ sẽ làm gián đoạn hoạt động không gian chung hiện tại, buộc các nước phải đưa ra các giải pháp mới hoặc sửa đổi kế hoạch chiến lược.

Moscow cũng đang có kế hoạch ngừng bán động cơ RD-180 do nước này chế tạo. Nga là nhà cung cấp duy nhất động cơ cho giai đoạn đầu tiên của tên lửa Atlas 5 của Mỹ - một trong hai bệ phóng vệ tinh chính trong chương trình không gian của Lầu Năm Góc.

Đây là đòn tấn công trực tiếp vào khát vọng thống trị không gian của Washington. Moscow cũng tuyên bố đóng cửa 10 trạm tiếp nhận tín hiệu GPS của Mỹ nằm trên lãnh thổ Nga từ ngày 1-6. Nguyên nhân do Mỹ cản trở Nga giới thiệu Glonass - đối thủ cạnh tranh toàn cầu duy nhất đối với hệ thống định vị vệ tinh của Washington.

Trong khi Châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga còn Mỹ kêu gọi đẩy mạnh trừng phạt, Tổng thống Putin  thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, trong đó có việc tăng cường hợp tác không gian Bắc Kinh-Moscow. Tuy nhiên, hiện nay trong khi định hướng của Nga là hoàn toàn rõ ràng; chiến lược của Trung Quốc vẫn không chắc chắn.

Nga-Mỹ nên bình tĩnh, cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung. Ảnh: Diplomat

Các bên cần phối hợp

Kể từ khi Trung Quốc thử nghiệm chống vệ tinh năm 2007, Mỹ càng cảnh giác hơn. Tuy nhiên, có một số nỗ lực tích cực nhằm giảm e ngại toàn cầu về an ninh không gian.

Một ví dụ điển hình là khuyến nghị các phương pháp khác nhau để cải thiện hợp tác và giảm nguy cơ hiểu lầm nhau trong hoạt động không gian, như báo cáo cuối cùng của Nhóm các chuyên gia chính phủ của LHQ (GGE) về các biện pháp minh bạch và xây dựng lòng tin (TCBMs). Ngoài ra, từ năm 2008, có các cuộc thảo luận nghiêm túc liên quan đến việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử không gian quốc tế (CoC). Ban đầu, ý tưởng này được Châu Âu đưa ra dựa trên cơ chế không ràng buộc và tự nguyện. Mỹ, Nga và Trung Quốc sau đó cũng có cuộc thảo luận về chủ đề này.

Tuy nhiên, việc củng cố khung quy chuẩn phát triển về an ninh không bàn đến việc tiêu hủy vệ tinh sau thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc năm 2007, dù Mỹ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các hoạt động không gian gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, khi ngày càng có nhiều các bên liên quan bước vào đấu trường không gian, nguy cơ mảnh vỡ không gian gây tai nạn và ảnh hưởng đến các hoạt động không gian ngày càng tăng lên. Do đó, bổn phận của Nga, Trung, Châu Âu và Mỹ là phối hợp để tạo ra khung quy chuẩn về an ninh không gian - khái niệm vượt ra ngoài các hoạt động quân sự thuần túy, bao gồm bảo vệ và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Các quốc gia bất ổn khác cũng đang nhìn nhận các vấn đề xã hội, kinh tế, thực thi pháp luật và lợi ích quân sự từ công nghệ không gian. Minh chứng điều này là Afghanistan và Ai Cập. Afghanistan bắt đầu sử dụng vệ tinh lần đầu tiên vào tháng 4-2014. Với nhận thức của Ai Cập rằng, Mỹ đã quay lưng với mình vào thời điểm cần thiết, Cairo đã quay sang Nga nhờ giúp đỡ trong việc phóng vệ tinh do thám EgyptSat 2 hồi đầu tháng trước.

Bảo Ngân
(Theo Diplomat)