Báo Công An Đà Nẵng

Chiến tranh Yemen - chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Thứ tư, 04/04/2018 14:00

Đã 3 năm kể từ ngày Saudi Arabia can thiệp quân sự tại Yemen gây ra cuộc chiến mà LHQ cho là đã tạo ra "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất do con người gây ra trên thế giới". Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt.

Chiến tranh gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại Yemen. Ảnh: AP

Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu - được Mỹ và Anh ủng hộ - đã thực hiện 16.749 cuộc không kích chống lại một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Theo LHQ, các vụ đánh bom của liên minh đã gây ra 2/3 trong số hơn 10.000 người chết trong cuộc xung đột tại Yemen.

Lực lượng nổi dậy Shiite Houthi đánh dấu kỷ niệm 3 năm chiến tranh bằng cách phóng 7 tên lửa vào lãnh thổ Saudi Arabia, 3 trong số này rơi trúng thủ đô Riyadh. Tuy nhiên, 2 ngày sau, trong khi Yemen sẵn sàng đáp trả bằng quân sự, Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có động thái cho thấy, Riyadh bắt đầu tập trung vào các nhu cầu nhân đạo trong chiến tranh. Hoàng tử đã trao 930 triệu USD cho Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ở New York - khoản tiền tương đương với 1/3 số tiền viện trợ của LHQ (2,96 tỷ USD) trong năm 2018.

Khoản tiền này là một phần của gói viện trợ 1,5 tỷ USD mà Saudi Arabia cam kết cuối tháng 1, bao gồm cả việc mở lại các cảng và 17 hành lang nhân đạo, chủ yếu ở các khu vực Houthi không kiểm soát, phục vụ cho việc cung cấp viện trợ.

Lấy lại danh tiếng

Các nhà phân tích cho rằng, khoản viện trợ của Saudi Arabia nhằm mục đích sửa chữa danh tiếng của quốc gia này hơn là chấm dứt chiến tranh tại Yemen, nơi Riyadh đóng vai trò quyết định. Thật vậy, Saudi Arabia cũng đã thuê các Cty Mỹ và Anh thực hiện chiến dịch quan hệ công chúng.

Abdulrashid Al-Faqih, giám đốc điều hành Tổ chức Nhân quyền Mwatana ở thủ đô Sanaa của Yemen, nơi đã bị Houthi kiểm soát kể từ năm 2015, cho biết: "Số tiền mà Saudi Arabia bỏ ra giống như trang điểm lại khuôn mặt của họ. Tất cả các bên tham gia chiến dịch đều chịu trách nhiệm về sự đau khổ này, nhưng trước hết là liên minh của Saudia Arabia và UAE", ông Al-Faqih nói. "Sẽ tốt hơn số tiền này nếu Saudia Arabia ngừng chiến tranh ở Yemen. Không có gì thay đổi khi Yemen nhận được viện trợ nhân đạo chừng nào cuộc chiến vẫn tiếp diễn", ông cho biết thêm.

Bà Longley Alley, giám đốc dự án tại bán đảo Arab của Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhận xét: "Trong vài tháng qua, rõ ràng Saudi đang bị thiệt hại danh tiếng nghiêm trọng và đang huy động nguồn lực để giải quyết vấn đề. Điều này đặc biệt đúng với kế hoạch nhân đạo đối với Yemen mà họ vừa tuyên bố. "Trong một số khía cạnh, điều này là rất tốt. Nhưng xe xét ở khía cạnh rộng hơn, chúng ta thấy rằng, lý do cần viện trợ nhân đạo là vì xung đột. Vì vậy, nếu cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, nó sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn", bà Alley nhận xét.

Khủng hoảng chưa thể chấm dứt

Ban đầu, Saudi Arabia dự tính chỉ can thiệp quân sự tại Yemen trong 3 tháng, nhằm đảo ngược việc tiếp quản Yemen của Houthi và khôi phục lại chính phủ được quốc tế thừa nhận của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi. Tuy nhiên, sau đó, các vụ đánh bom liên tục phá hủy cơ sở hạ tầng dân dụng, từ các bệnh viện tới các nhà máy, các cây cầu và dẫn đến tội ác chiến tranh.

Một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt không phận, trên mặt đất cũng như đường biển khiến nguồn cung lương thực và hàng hóa bị không thể đến được Yemen. LHQ cho biết, 22,2 triệu người Yemen, khoảng 75% dân số, đang cần sự trợ giúp nhân đạo vào năm 2018, con số này sẽ tăng thêm 3,4 triệu người so với năm ngoái. Bà Marie-Christine Heinze, chuyên gia về Yemen và là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu ứng dụng hợp tác phương Đông (CARPO) ở Bonn, Đức, cho rằng, không có khả năng Saudi Arabia sẽ giảm chiến dịch quân sự. "Họ tiếp tục phong tỏa, tiếp tục ném bom cơ sở hạ tầng dân dụng, tất cả vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình nhân đạo... Tôi không coi đây là một sự thay đổi", bà Heinze nói.

Theo bà, quy mô của các vụ đánh bom đã làm "chấn thương toàn bộ dân số", đặc biệt là trẻ em. "Ngay cả khi chiến tranh chấm dứt vào ngày mai, chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả của việc này trong hàng thập kỷ", bà Heinze cho biết. Theo điều tra của CARPO với hơn 900 trẻ em Yemen sau năm đầu tiên xảy ra chiến tranh, hơn 79% trẻ em trải qua "triệu chứng trầm trọng" của rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), chẳng hạn như "không thể khóc hoặc không thể cảm thấy hạnh phúc". Hiện, tác động này lớn hơn nhiều, vì trẻ em của Yemen đã phải chịu 3 năm xung đột.

Theo LHQ, Yemen là một trong những quốc gia không an toàn nhất về lương thực trên thế giới. Cuộc xung đột "làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và những tổn thương vốn đã tồn tại ở Yemen trước năm 2015". Hiện, 17,8 triệu người Yemen "mất an toàn thực phẩm", với 8,4 triệu người là "có nguy cơ bị đói". Những con số như vậy không làm Riyadh cảm thấy nhức nhối. Thái tử Mohammed, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm kiến trúc sư chiến tranh Saudi Arabia sắp kết thúc chuyến thăm 3 tuần tới Mỹ, nơi ông gặp Tổng thống Trump, vận động ủng hộ cuộc chiến Yemen.

Trả lời phỏng vấn của CBS, ông cho rằng, Houthi đang "lợi dụng tình hình nhân đạo để thu hút sự thông cảm", đồng thời cáo buộc Houthi "chặn các khoản viện trợ nhân đạo gây ra nạn đói và cuộc khủng hoảng nhân đạo". Theo bà Alley, cuộc tấn công tên lửa của Houthi là "thông điệp" gửi tới Saudia Arabia nhân dịp 3 năm chiến tranh. "Houthi cho rằng, cho đến khi Saudi Arabia cảm thấy đau đớn, họ mới nghiêm túc trong đàm phán. Đó là quan điểm của Houthi", bà cho biết.

AN BÌNH