Báo Công An Đà Nẵng

Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới

Thứ tư, 15/03/2017 10:22

(Cadn.com.vn) - Lừa đảo qua mạng xã hội zalo, facebook đã không còn là chiêu trò mới khi phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục “sập bẫy” 2 trường hợp sau đây, chúng tôi tiếp tục cảnh báo đến tất cả mọi người, hãy tỉnh táo trước những món “bánh vẽ” do các đối tượng lừa đảo đưa ra để “tiền mất, buồn mang”.

Trúng thưởng qua tin nhắn, điện thoại

Thời gian gần đây, trên địa bàn H. Phù Mỹ (Bình Định) liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn nhắn tin hoặc gọi điện đến số điện thoại của cá nhân để thông báo trúng thưởng và yêu cầu nộp tiền lệ phí để nhận thưởng bằng cách mua thẻ cào, nhắn mã số card vào số điện thoại của đối tượng.

Một trong những nạn nhân là bà Đặng Thị L. (58 tuổi, trú thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, H. Phù Mỹ). Theo bà kể: “Chiều 21-2, đang ở nhà, tui nhận cuộc điện thoại từ số máy 0868476372 của một người đàn ông nói giọng Bắc, với nội dung Cty Viettel vừa mở thưởng bằng hình thức quay số trúng thưởng và số điện thoại của bà trùng với số đã quay. Giải thưởng có giá trị 245 triệu đồng. Để được lãnh thưởng, bà phải nộp 3 triệu đồng bằng mã thẻ cào Viettel làm lệ phí. Mừng vì  được “của trời cho”, tui bỏ công việc, vội chạy đi mua đủ số tiền trên rồi đọc từng mã số cho người đàn ông đó”.

Thấy con mồi đã “sập bẫy”, ngay sau đó, người đàn ông này tiếp tục điện thoại yêu cầu bà L. photocopy CMND, sáng hôm sau phải đem 5 triệu đồng và mua thêm 5 triệu đồng tiền card lên Công viên Tuổi Thơ ở TT Phù Mỹ đưa cho đối tượng thì sẽ được làm thủ tục nhận thưởng. Do không có tiền, trong đêm bà L. lặn lội đến hàng xóm hỏi mượn đủ số tiền. Đúng hẹn, sáng 22-2, bà L. lên các tiệm điện thoại ở TT Phù Mỹ mua đủ 5 triệu đồng tiền card rồi đến một góc công viên ngồi cào, chờ đối tượng đến. Chờ lâu không thấy đối tượng xuất hiện, bà L. điện thoại hỏi thì người đàn ông này bảo đang làm thủ tục trao giải cho một người ở Phú Yên, không thể ra kịp. Rồi người này yêu cầu bà đọc mã số card để nộp tiền còn số tiền mặt thì mang về để lúc khác đến nhà nhận. Đối tượng còn yêu cầu bà L. hủy số thuê bao của bà đang dùng, mua sim khác để liên lạc.

Lúc này chị Lê Thị Mỹ Dung (trú thôn An Lạc Đông 1, TT Phù Mỹ) và Lê Thị Vân (trú thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang) đi ngang qua, thấy bà L. đang cào rất nhiều thẻ liền đến hỏi, bà kể lại sự việc như trên. Hai chị giải thích và cho biết bà đã bị lừa. Bà L. không giấu giếm, cho biết thêm: Sau khi nghe thông báo trúng thưởng số tiền trên, bà gọi báo tin cho các con bà đang làm ăn ở xa. Mặc dù các con ngăn cản nhưng bà vẫn âm thầm làm theo lời đối tượng, nếu số tiền trúng thưởng là có thật thì bà đem về chia cho mỗi đứa con một ít để làm ăn.

Với thủ đoạn tương tự của đối tượng lừa đảo, chị Nguyễn Thị T. (1986, trú thôn Trinh Long Khánh, xã Mỹ Cát, H. Phù Mỹ) cũng đã rơi vào “bẫy”, bị chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng...

Lập trang web lừa đảo

Nếu như trường hợp của bà L., chị T. bị lừa đều thực hiện các thao tác theo sự hướng dẫn của một người qua điện thoại thì trường hợp của chị T.H.N (trú H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), kẻ xấu đã lập hẳn trang web lừa đảo.

Theo đó, đang lướt facebook, chị T.H.N. bất ngờ nhận được tin nhắn từ hệ thống messenger thông báo đã trúng giải nhất chương trình “Tri ân khách hàng quý I của hệ thống Facebook Messenger Việt Nam. Tin nhắn cung cấp cho chị mã dự thưởng 402E79 và hướng dẫn truy cập vào website Phanquafb.com để tiến hành thủ tục nhận thưởng gồm 1 xe máy SH và 100 triệu đồng.



CMND và thẻ của nhân viên hỗ trợ Phạm Văn Hiền được đưa lên web để tạo lòng tin.

Tin tưởng, chị N. đăng nhập vào trang web trên thì thấy các thông tin hiện lên khá đầy đủ, rõ ràng. Cơ quan chủ quản là Cty cổ phần Kỹ thuật số Truyền thông Tương tác (số 9, tòa nhà Petrolimex, 122 đường 2 Tháng 9, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). “Tôi cũng biết có tình trạng lừa đảo qua facebook nhưng trang web này thông tin đầy đủ, công phu quá nên lúc đầu tôi không nghĩ bị lừa. Thậm chí họ còn đưa cả tên tuổi, chứng minh của nhân viên lên web và hình ảnh của những người đã nhận thưởng rồi” - chị N. cho biết. Để lấy lòng tin, trang web còn lập ra mục thông tin hỏi đáp cho khách hàng. Với câu hỏi tại sao trúng thưởng phải đóng phí thì được trả lời hồ sơ đăng ký trên web chỉ có hiệu lực trong vòng 60 phút. Phía Cty cần phải in ra giấy tờ gồm 3 bộ hồ sơ gốc mang sang Bộ Công an, Bộ Công Thương tiến hành xác nhận?

Chị N. cho biết, sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân như email, số điện thoại, địa chỉ nhà, trang web yêu cầu chị phải nộp 1,5 triệu đồng qua thẻ cào điện thoại để tiến hành nhận giải. Đến lúc này chị N. mới vỡ lẽ rằng tất cả những thao tác trên chỉ nhằm để lấy lòng tin, mục đích chính vẫn là lừa tiền qua hình thức nộp thẻ cào điện thoại. Truy cập vào trang web trên, chúng tôi thấy hình ảnh chụp CMND mang số 206138201, thẻ của nhân viên hỗ trợ tên Phạm Văn Hiền (trú Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Theo thông tin trên thẻ thì Phạm Văn Hiền đang làm việc cho Tập đoàn Mạng xã hội facebook Việt Nam. Tiếp tục điện thoại đến số điện máy trang web cung cấp 0898297006, chúng tôi gặp được người tên là Phạm Văn Hiền. Tuy nhiên khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến việc nhận giải thì người này trả lời quanh co, không rõ ràng và chỉ khăng khăng rằng cứ làm theo thao tác sẽ được nhận giải. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu được nộp tiền lệ phí trực tiếp đến địa chỉ của Cty thì người này thoái thác cho rằng không cần thiết, để khỏi mất công khách hàng thì Cty khuyến khích gửi tiền qua thẻ cào.

Các hình thức lừa đảo qua mạng không phải mới nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin sập bẫy. Cuối tháng 12-2016, CA tỉnh Quảng Nam đã khởi tố Nguyễn Hải (trú xã Duy Phước, H. Duy Xuyên) về hành vi lừa đảo. Theo đó, với nickname Mr Hiếu và Hongloan899 Hải đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng lên đến hàng tỷ đồng. Trước đó, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt tạm giam các đối tượng Võ Quang Nhật (1998), Trần Văn Tín (1997), Hồ Long Hải (1997), Trần Vương (1995) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Nhóm đối tượng này đã dùng các thủ đoạn lừa trúng thưởng, lừa mua bán xe… lên đến 2 tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Từ thực trạng trên có thể thấy rằng lừa đảo qua mạng đang biến hóa ngày càng tinh vi, khó đoán. Những thông tin như đưa chứng minh, số điện thoại, địa chỉ lên web tạo lòng tin. Tuy nhiên, chỉ cần vài thao tác kiểm tra là có thể biết được rằng những thông tin trên hoàn toàn là giả. Thiết nghĩ, để bảo vệ mình, người dân cần nâng cao cảnh giác và báo với cơ quan chức năng can thiệp khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo.

Hoài Nam - Hà Dung