Báo Công An Đà Nẵng

Chiêu trò của “thánh nổ” (Bài cuối: Nhận diện thủ đoạn lừa đảo tinh vi)

Thứ năm, 31/08/2017 15:03

Chỉ tính từ ngày 15 đến 25-8, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 7 đơn trình báo của người dân về việc bị đối tượng xưng danh là nhân viên Cty viễn thông, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền những nạn nhân này bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo gọi điện vào số thuê bao cố định để thông báo khách hàng nợ cước. 

Nói về thủ đoạn của loại tội phạm này, Thiếu tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An) cho biết: Các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đều được thực hiện bằng phương thức có một người xưng là nhân viên Cty viễn thông gọi điện đến số máy cố định của người dân về việc, thuê bao cố định của người dân phát sinh cước lớn do tháng vừa rồi phát sinh nhiều cuộc gọi đi nước ngoài như Australia, Canada… hiện đang nợ tiền cước phát sinh này. Khi các bị hại thanh minh không thực hiện các cuộc gọi đi các nước trên, đối tượng thông báo sẽ kết nối với đường dây nóng của Bộ CA để trình báo. Tiếp đó, đối tượng đưa máy cho một đối tượng thứ 2, xưng là điều tra viên của Bộ CA để xác minh. Người này sẽ thông báo cho nạn nhân biết có người đã sử dụng CMND của họ để lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó trong việc buôn ma túy, rửa tiền. Đồng thời, kẻ tự xưng là CA này yêu cầu bị hại phải hợp tác với cơ quan CA để cung cấp các thông tin cần thiết.

Lúc này nạn nhân bắt đầu hoang mang, lo sợ, mặc dù bản thân không làm gì vi phạm pháp luật. Khi thấy nạn nhân sợ hãi thì các đối tượng yêu cầu khai báo tài sản bao gồm tiền mặt, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, thông tin về người thân trong nhà… để phục vụ điều tra. Ngay lập tức, các đối tượng sẽ gọi điện vào số máy di động của nạn nhân để yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tiền trong ngân hàng, sổ tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp để xác minh số tiền đó có liên quan đến tội phạm buôn ma túy, rửa tiền hay không. Theo lời hứa của chúng, số tiền này sẽ được trả lại cho các nạn nhân sau khi điều tra kết thúc, thậm chí, để nạn nhân thêm phần tin tưởng, chúng cho biết số tiền này sẽ được trả lãi như gửi ngân hàng. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng rút hết để chiếm đoạt.

Điều đáng nói, trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục uy hiếp tinh thần  nạn nhân bằng cách yêu cầu nạn nhân liên tục kết nối điện thoại, không để bị gián đoạn, tuyệt đối giữ bí mật với người xung quanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, ảnh hưởng đến công tác điều tra, phạm tội làm lộ bí mật nhà nước…

Cùng thủ đoạn này, tại Nghệ An đã có nhiều người mắc phải nhưng do tinh thần cảnh giác cao nên các đối tượng lừa đảo đã không thực hiện được hành vi của mình. Chị Trần Thị M. (nhân viên văn phòng một cơ quan trên địa bàn TP Vinh) cho biết: Trước đây tôi cũng từng bị một người xưng là nhân viên viễn thông, gọi vào số máy bàn phòng làm việc và thông báo tôi đang nợ hơn 8 triệu đồng tiền cước điện thoại. Họ còn hướng dẫn tôi bấm phím để biết thông tin cụ thể nhưng may mắn là tôi đã biết đây là bọn lừa đảo nên dập máy. Ngày 20-8, ông Nguyễn Thanh H. (1958, trú khối 11, P. Hà Huy Tập, TP Vinh) đang ở nhà một mình thì điện thoại bàn đổ chuông. Với cách thức tương tự chúng đã sử dụng với ông N.V.Đ. (ở P. Hưng Dũng), các đối tượng trên đã chiếm đoạt của ông H. 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Thiết D. (1960, trú khối An Vinh, P. Hưng Phúc, TP Vinh) cũng bị nhóm đối tượng trên lừa đảo rồi chiếm đoạt 236 triệu đồng.

Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An đưa ra lời cảnh báo cho người dân thông qua facebook.

“Hình thức phạm tội này không phải là mới ở nước ta nhưng tại Nghệ An thì thời gian gần đây lại xuất hiện với tần số dày. Tinh vi hơn là các đối tượng dùng điện thoại, sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), nôm na là sử dụng công nghệ gọi điện thoại qua Internet, số điện thoại dùng để gọi sẽ được hiển thị bằng những số điện thoại giả đầu số giống số của công an như +000113, +84000113... làm nạn nhân tin rằng đang làm việc với CA. Với phương thức này, chúng gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng là không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra” - Thiếu tá Đức đánh giá.

Sau khi nhận được số tiền do các bị hại chuyển qua tài khoản thì các đối tượng này sẽ chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản khác ở nước ngoài trước khi bị rút ra và chiếm đoạt. Đối tượng mà loại tội phạm này nhắm tới là người già, phụ nữ, những người hiểu biết xã hội còn hạn chế và có khả năng phòng vệ kém hơn. Tiếp nhận thông tin từ các bị hại về việc có 2 người tự xưng là nhân viên viễn thông và cán bộ CA gọi vào số điện thoại của mình thì các TS Đội CSĐT tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tung lực lượng vào xác minh thông tin. Từ kết quả xác minh cho thấy, thông tin từ các bị hại cung cấp về nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách giả danh cán bộ CA, bưu điện nói trên thực ra chỉ là một.

Dự báo tình hình tội phạm lừa đảo với thủ đoạn như trên sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, CA tỉnh Nghệ An đã thông báo tới CA 21 huyện, thành thị trong tỉnh, đồng thời đề nghị các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, các đơn vị viễn thông phối hợp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm đến từng người dân nhằm ngăn ngừa loại tội phạm này.

“Khi có thông báo nợ cước điện thoại từ một người xưng là cán bộ viễn thông, nếu có khiếu nại, thắc mắc, người dân nên yêu cầu cán bộ viễn thông đến trực tiếp làm việc, tuyệt đối không nghe theo chỉ dẫn của đối tượng qua điện thoại. Nếu nhận được đầu số điện thoại lạ gọi điện liên tục mà không thể phân biệt được mã vùng thì không nên nghe máy” - Thiếu tá Hà Huy Đức khuyến cáo.

Dương Hóa