Báo Công An Đà Nẵng

Chìm nổi phận phu trầm (2)

Thứ hai, 15/04/2013 00:00

>> Chìm nổi phận phu trầm

Kỳ 2: Bỏ mạng, tù tội nơi đất khách

(Cadn.com.vn) - Bị đào đi xới lại đến nát cả rừng, trầm hương vùng Quảng Bình, Quảng Trị ngày càng cạn kiệt. Ngoài một bộ phận mở rộng địa bàn ra giáp vùng biên giới Việt – Lào hay những người xới lại các khu rừng cũ với hy vọng kiếm lại ít xái, nhiều người đã tham gia đường dây tìm trầm xuyên biên giới với sự dẫn dắt của các đầu nậu. Những cánh rừng ở Thái Lan, Indonesia, MalaysiaMyanmar đã trở thành “miền đất hứa” của phu trầm Quảng Bình. Bị bắt vì xâm nhập lãnh thổ trái phép có, bị truy sát hay bắn chết trong rừng cũng có nhưng họ vẫn bất chấp hiểm nguy nuôi hy vọng đổi đời.

 Bà Hoàng Thị Nhung - người xã Quảng Minh, có con trai và cháu nội chết vì trầm.

Chúng tôi tìm về thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, H. Quảng Ninh, nơi vẫn thường được gọi là “làng xuất ngoại tìm trầm”. Khác với việc tìm trầm ở những cánh rừng trên đất quê hương là thời gian ngắn, tự tìm đầu nậu để xem giá và bán, đội quân phu trầm xuất ngoại gần như đi làm thuê cho những ông chủ trầm với thời gian mỗi chuyến đi 3-4 tháng, có khi kéo dài cả năm. Khi tìm đủ bạn trầm, các nhóm được đầu nậu thuê xe chở đến biên giới, hoặc là xâm nhập qua đất Lào. Từ đây, mỗi nhóm sẽ được cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, đồ dùng sinh hoạt rồi cắt rừng xâm nhập qua đất Thái Lan, Malaysia hay Myanmar. Thay vì tìm được trầm là về đi bán, phu trầm trực tiếp liên hệ với đầu nậu để bán ngay trong rừng. Sau khi trừ chi phí nhu yếu phẩm, đồ dùng và tạm ứng, phu trầm sẽ nhờ đầu nậu gửi về nhà rồi lấy lương thực để tiếp tục hành trình.

Đầu năm 2013, chị Nguyễn Thị Lựu (1979, trú thôn Trúc Ly) tự tay xếp áo quần cùng một vài vật dụng vào ba-lô để chồng và anh trai vượt biên tìm trầm. Hơn nửa tháng sau chị và người thân đau xót vay mượn gần 100 triệu đồng để sang đất Thái đưa xác hai anh em về. Chồng chị là anh Bùi Văn Quốc (1977) trước đến nay làm thợ nề đắp đổi cuộc sống gia đình. Trời đất xui khiến thế nào anh xếp bay, cất thước rủ anh vợ là Nguyễn Văn Triền gia nhập đội quân làm trầm sang Thái Lan tìm vận may. Vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên vùng núi rừng âm u, đoàn làm trầm đã đụng ngay cảnh sát Thái Lan. Mạnh ai nấy chạy vào rừng. Thiếu kinh nghiệm, cả anh Quốc và anh Triền bị bắn chết.

Trước đến nay dù không giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi chết đói, vậy mà không cản được cái mộng làm giàu của chồng, chị giờ thành góa phụ một nách nuôi 2 đứa con và mẹ chồng đang như chuối chín cây. Cùng xóm với chị Lựu, chị Trần Thị Liên (1970) cũng chịu cảnh mẹ góa con côi khi năm 2012 cả chồng và người em con chú bị bắn chết trong một lần bị cảnh sát Thái Lan truy đuổi vì xâm nhập lãnh thổ trái phép. Ở thôn Trúc Ly, ngoài những người bị giết chết, nhiều phu trầm đã bị bắt giữ, thậm chí là tù tội ở xứ người, chưa biết ngày về.

Nghèo khó khiến nhiều người dân Quảng Bình phải tha hương mưu sinh và một trong những lựa chọn là đi tìm trầm (Ảnh chụp tại làng quê nghèo Minh Tiến, xã Quảng Minh, H. Quảng Trạch).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, H. Quảng Ninh cho hay, từ năm 1990 đến nay, thôn Trúc Ly có khoảng 50 người chết vì trầm. Trong năm 2012 có tới 7 người bị bắn chết trong các cánh rừng ở Thái Lan, Malaysia. Hiện còn rất nhiều người bị tù đày ở các nước này vì tội xâm nhập lãnh thổ trái phép.

Gần Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là thôn Thanh Hưng, xã Hưng Trạch, H. Bố Trạch. Cũng giống như Trúc Ly ở xã Võ Ninh của H. Quảng Ninh, thôn Thanh Hưng vắng bóng đàn ông đến mức thấy nhiều phụ nữ nai lưng ra làm những việc nặng nhọc. Trưởng thôn Hoàng Xuân Hợi nói cái đói, cái khó khiến nhiều thanh niên trai tráng trong làng chẳng quan tâm đến chuyện học hành. Họ chỉ mong sao có nghề gì để kiếm ra tiền. Và nghề phổ thông nhất là rủ nhau vào núi tìm trầm, trầm nội cạn kiệt thì tìm cách qua biên giới.

Lâu lắm rồi chị Nguyễn Thị Hiếu không gặp mặt chồng và con trai. Cả hai biền biệt cả năm trời trên đất Malaysia, thỉnh thoảng cũng có tiền gửi về nhưng những việc đàn ông ở nhà chị phải gánh hết. Từ việc ruộng đồng hạn hán đến nhà cửa ngập lũ, rồi chuyện học hành của mấy đứa con, một tay chị phải lo liệu. Dù sao thì mỗi lần thấy có tiền gửi về, ít hay nhiều, chị vẫn yên tâm là chồng mình đang sống và đang làm việc. Chứ như chị Ngô Thị Xuân, mỗi lần nghĩ đến việc chồng mình đang ngồi trong tù là mỗi lần chị chua chát nhìn 4 đứa con nhỏ rồi nước mắt cứ thế trào ra. Nghe bạn đi trầm đồn thì cũng phải một năm nữa chồng chị mới được ra tù. “Lâu lắm rồi vợ không thấy mặt chồng, con không thấy mặt cha. Ai thuê gì làm nấy sống qua ngày, khổ lắm chú ơi” - chị Xuân ngân ngấn nước mắt.

 Ông Đoàn Văn Nhiệm giờ thành phế nhân sau chuyến tìm trầm tại Malaysia. 

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà xiêu vẹo, ông Đoàn Văn Nhiệm (1959, trú thôn Thanh Hưng, xã Hưng Trạch, H. Bố Trạch) thường xuyên lặp lại câu nói “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Vì cuộc đời ông cay đắng nghiệt ngã cũng vì trầm. Nếu giải nghệ sau những chìm nổi với trầm nội, có khi giờ ông đã khác. Ông kể, sau những năm tháng cày nát những cánh rừng ở phía tây Quảng Bình, tay trắng ông vẫn hoàn tay trắng. Nghĩ đến chuyện vô duyên với trầm, ông tính đoạn tuyệt núi rừng chuyển sang nghề nuôi cá. Nhưng rồi ông lại đấu tranh tư tưởng, có khi xuất ngoại lại đổi được vận. Vậy là ông khăn gói cùng phường trầm sang Malaysia để đổi vận. Trong một lần xuyên rừng, ông Nhiệm bị hòn đá tảng sập nát cả hai chân. Ông Nhiệm thở dài: “Nếu đứa con trai lực lưỡng không cắt rừng đưa đi cứu chữa kịp thời có khi tôi đã bỏ mạng vì nhiễm trùng. Hơn nửa đời, gia tài của tui giờ là căn nhà dột nát và đôi chân tàn phế. Thằng con cả giờ cũng lang bạt tìm trầm, chỉ mong nó đừng như tui”.

Nằm bất động, nhìn lên mái nhà, ông Nhiệm nói mà như hỏi tôi: “Không biết tàn phế như tui và chết tức tưởi như mấy người kia, cái nào đau khổ hơn. Nhưng tui nghiệm ra một điều là cả làng này chưa có ai giàu lên nhờ trầm, toàn thấy chết chóc, thương tật, tù tội. Biết vậy mà có ai dứt ra được đâu!”.

>> Chìm nổi phận phu trầm

Phóng sự: Đông A
(còn nữa)