Báo Công An Đà Nẵng

Chim trĩ về phố

Thứ tư, 13/11/2013 10:30

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình với những con vật nuôi có nguồn gốc từ rừng cho giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định. Đặc biệt, có một số loài ngỡ chỉ tồn tại ở những vùng rừng đặc hữu cũng đã được người dân nuôi và nhân giống thành công. Chim Trĩ đầu đỏ là một trong số đó.

Xu hướng nuôi chim Trĩ đầu đỏ theo hướng gia trại hiện đang khá thịnh ở nhiều địa phương trên cả nước, với Quảng Nam thì đây là mô hình khá mới mẻ và đang được người dân nuôi thử nghiệm nhưng mang lại nhiều kết quả khả quan. Gia đình anh Lê Trần Duy Lộc và chị Hoàng Bùi Mỹ Hạnh ở Tổ 4. Khối phố Đông Trà, P. Hòa Thuận, TP Tam Kỳ là hộ gia đình đang nuôi chim Trĩ cung cấp giống thương phẩm cho các địa phương cánh Bắc Quảng Nam như Điện Bàn, Đà Nẵng...

Chim trĩ thích hợp với môi trường mới.

Với 20 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu mua 40 chim bố mẹ (30 mái, 10 trống), tại Trung tâm Bảo tồn giống chim quí hiếm Việt Nam (Hà Nội) thả nuôi trên diện tích 50m2, chia làm 8 chuồng, bình quân mỗi chuồng 5m2 thả 3 mái/trống... sau một năm nuôi gia đình anh Lộc phát triển được tổng đàn 800 con (chim bố mẹ và chim con), đã xuất bán 600 con giống, mỗi cặp giống chim mới bóc trứng xuất bán 140.000 đồng, trừ đi chi phí gia đình anh chị lãi ròng 30-40 triệu đồng.

"Bằng việc tự học hỏi kinh nghiệm và tra cứu trên mạng internet về kỹ thuật nuôi chim Trĩ, chúng tôi cũng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư để nuôi giống chim quí này. Đây là loài chim sống hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, dễ thích ứng với thời tiết và điều kiện sống ở Quảng Nam. Bên cạnh đó thức ăn cho chim Trĩ giống với cho gà ăn vậy như thóc, cám, bột bắp, các loại rau xanh; nước uống cho chim thường là nước giếng hoặc nước máy nên công sức chúng tôi bỏ ra không nhiều, duy chỉ có việc ấp trứng là phải có sự đầu tư về máy ấp bằng điện chứ loài chim này có đặc điểm là không ấp trứng", chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hoàng Bùi Mỹ Hạnh tại khu vực nuôi chim trĩ của gia đình.

Nói về chu kỳ sinh sản của chim Trĩ, chị Hạnh cho biết thêm, chim Trĩ thường đẻ một năm 2 giai đoạn:  từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, tháng 5 chim nghỉ thay lông, sau đó tiếp tục đẻ cho đến tháng 8, nhưng nếu thời tiết nắng nóng sẽ kích thích chim sinh sản nhiều hơn cho đến tháng 10. Trung bình mỗi mái cho từ 70-80 trứng trong năm.  Ngoài ra để phòng dịch cho chim, gia đình chị cũng đã tiêm vaccine chống cúm A H5N1, tụ huyết trùng, newcaste... giống như trên đàn gà vịt.

Mang đặc tính của loài chim nên chim Trĩ đầu đỏ thường bay được rất xa vì vậy chuồng nuôi được gia đình anh chị quây chặn khép kín bằng lưới. Ngoài ra để che nắng mưa cho chim, mái chuồng được lợp tôn fi-bro xi măng nhưng cũng chừa khoảng không gian trống để chim "tắm nắng". Chuồng cũng được rải cát từ 5-7cm để khi chim đẻ tránh vỡ trứng. Trứng sau khi đẻ sẽ được đưa vào lò ấp với nhiệt độ từ 35 - 37,50C, sau 22 ngày, chim nở và đem úm trong 3 tuần rồi thả ra chuồng nuôi chim con, sau giai đoạn 6 tháng thì tách đàn nuôi riêng chim lấy thịt và hậu bị để cung ứng cho lớp chim sinh sản tiếp theo.

Bình quân mỗi con chim Trĩ trưởng thành cho trọng lượng từ 1,3 -1,7kg có thể bán với giá 300.000 đồng/kg. "Có thể nói sau một năm nuôi thử nhưng quyết tâm là phải đạt kết quả thì giờ đây đàn chim chúng tôi đang nuôi phát triển tốt, chủ yếu là bán giống thương phẩm cho các thương lái, chứ chưa nuôi để lấy thịt như một số nhà hàng đến đặt hàng trên địa bàn Đà Nẵng. Hiện chúng tôi đang mở rộng diện tích vườn nhà thêm 100 m2 nữa để nuôi chim Trĩ theo hướng trang trại cung cấp giống và thịt thương phẩm. Là loại thực phẩm được người xưa ví von "Đồ Tiến Vua", thịt chim Trĩ không chỉ cho giá trị dinh dưỡng cao, thịt chắc   mà còn có thể cải thiện đời sống phát triển kinh tế cho người dân chúng tôi", anh Lộc  phấn khởi.

Phúc Hoàng