Báo Công An Đà Nẵng

Chim trời mà biết... nói năng (!?)

Thứ năm, 04/03/2021 15:56

- Chim sáo nói được đó chi Tư chợ Hàn?

Những chú chim trời vừa bị bắt, chờ bán cho khách.        

- Biết rứa nhưng ý Tư là khác.

- Thế muốn nói gì nào?

- Đó là tục lệ phóng sanh chim trời mà bấy lâu nay nhiều người vẫn thực hiện, theo Tư việc làm này không có phước tí nào.

- Theo Bề Tui hiểu, phóng sanh là tục lệ ông cha ta thường làm trong các lễ cúng giải hạn, báo hiếu... đã có từ rất lâu. Phóng sanh tức là nhìn thấy các loại chúng sanh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, giải thoát, cứu lấy mạng sống của con vật và có nghĩa rất nhân văn.

- Đó là chuyện ngày xưa, hiện nay đã bị... lạc hậu. Hơn nữa, có bao nhiêu cách để thể hiện lòng tốt, như: giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học, người già không nơi nương tựa... Việc mua chim bị đánh bắt trái phép để phóng sanh chẳng những không mang giá trị nhân văn mà còn vô tình tiếp tay cho một số đối tượng làm điều xấu là đánh bắt trái phép động vật hoang dã...

- Bởi vậy, nếu chúng ta bỏ đi tục lệ này có nghĩa là nhu cầu mua chim để phóng sanh không còn thì người đánh bắt phải gác... lưới. Vì có bắt cũng chẳng biết bán cho ai. Ngoài ra, nhiều người khi thực hiện nghi lễ phóng sanh chỉ biết được mặt phải của vấn đề là ta đang làm một việc tốt mà chẳng biết đằng sau ẩn chứa nhiều điều xấu. Cụ thể, khi thay đổi môi trường sống loài chim sẽ khó thích nghi, dẫn đến bị bệnh, chết hoặc có nhiều kẻ xấu khác rình rập đánh bắt để bán trở lại kiếm lợi. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp, một bầy chim bị xoay vần theo vòng tròn: đánh bắt - bán - phóng sanh rồi lại bị đánh bắt... Như vậy, ý nghĩa tốt về tục lệ phóng sanh chẳng còn gì cả.

- Bề Tui còn nhìn nhận ở một khía cạnh khác cũng cần quan tâm, đó là Nhà nước có quy định cấm nhằm bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể, điều 234 BLHS quy định về tội: "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã", theo đó, những pháp nhân, cá nhân vi phạm điều luật này, có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 12 năm.

BỀ TUI