Báo Công An Đà Nẵng

Chính biến ở Myanmar

Thứ ba, 02/02/2021 10:00

Người phát ngôn đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền Myo Nyunt tại Myanmar ngày 1-2 thông báo nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều quan chức cấp cao của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ trong các vụ đột kích vào rạng sáng cùng ngày.

Binh sĩ và phương tiện quân sự được nhìn thấy bên trong trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình Myanmar, ở Yangon, vào ngày 1-2.

Quân đội cáo buộc gian lận bầu cử

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi quân đội Myanmar tăng cường yêu cầu điều tra về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11-2020, cuộc bầu cử được xem như trưng cầu ý dân đối với chính phủ dân chủ của Myanmar. Đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo khi giành được 83% số ghế và sẽ tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, quân đội cho rằng đã có nhiều bất thường trong cuộc bầu cử này, đồng thời tuyên bố đã phát hiện ra hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri.

Quân đội Myanmar cho biết, tên của nhiều người bị lặp lại trong danh sách bầu cử ở một số quận, đồng thời tỏ ra không hài lòng với phản ứng của ủy ban bầu cử đối với các khiếu nại gian lận. Những cáo buộc của Quân đội cũng tương tự như của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) - đảng cầm quyền trước đây do quân đội thành lập trước khi chính thức chuyển giao lại quyền lực vào năm 2011. USDP, được coi như đảng ủy nhiệm của quân đội, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 2020, khi chỉ giành được 33 trong số 476 ghế.

Bà Suu Kyi không bình luận về chiến thắng của đảng NLD cũng như các khiếu nại của quân đội. Tuy nhiên, đảng NLD cho rằng, các cáo buộc của quân đội là vô căn cứ và các sai sót trong cuộc bầu cử vừa qua không đủ làm thay đổi kết quả cuối cùng. Ủy ban bầu cử hôm 28-1 cũng cho rằng, không có sai sót trên quy mô đủ lớn để trở thành gian lận bầu cử diện rộng hoặc khiến cuộc bầu cử bị bất tín nhiệm.

Trong cuộc họp báo tuần trước về các cáo buộc gian lận bầu cử, người phát ngôn các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Zaw Min Tun, đã đưa ra câu trả lời không rõ ràng khi được hỏi về ý định của quân đội. Ông nói rằng, quân đội dọa “sẽ có hành động” và sử dụng tất cả mọi lựa chọn có sẵn, trong đó có cả Tòa án Tối cao. Khi được hỏi quân đội có hợp tác với chính phủ mới hay không, ông nói rằng hãy “chờ và xem”. Hôm 30-1, quân đội Myanmar tuyên bố sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp và hành động theo pháp luật.

Người dân ở Yangon xếp hàng trước máy ATM của một ngân hàng đã đóng cửa vào ngày 1-2.

Quân đội tuyên bố kiểm soát đất nước 1 năm

Ngày 1-2, kênh truyền hình quân đội Myanmar đưa tin quân đội nước này đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp 1 năm sau vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo trong chính phủ. Lực lượng này cho biết thêm điều hành đất nước sẽ được chuyển giao sang cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của Quốc hội bị đình chỉ.

Cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc. Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới. Quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11-2020 sẽ được xem xét lại.

Các nguồn tin cho biết quân đội Myanmar đã kiểm soát chính quyền và cơ quan lập pháp ở nhiều khu vực. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn tại thủ đô Nay Pyi Taw và nhiều khu vực khác. Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cũng thông báo không thể phát sóng trong sáng 1-2. Ngoài ra, hãng tin Reuters đưa tin tất cả các ngân hàng tại Myanmar đã tạm dừng mọi dịch vụ do đường truyền Internet kém liên quan diễn biến chính trị tại nước này.

Thế giới lên án

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết ông “kịch liệt lên án” vụ quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác của quốc gia Đông Nam Á này. Ông Guterres đồng thời kêu gọi “tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Guterres, nêu rõ trong tuyên bố: “Tổng Thư ký Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc liên quan tới tuyên bố chuyển giao mọi quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp cho Quân đội Myanmar. Những diễn biến này là một cú tát nghiêm trọng và các cải cách dân chủ ở Myanmar… Tất các các nhà lãnh đạo cần phải hành động vì lợi ích lớn hơn của tiến trình cải cách dân chủ của Myanmar, tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa, tránh bạo lực và tuyệt đối tôn trọng nhân quyền hay những quyền tự do cơ bản khác”. Tổng Thư ký Guterres hối thúc Quân đội Myanmar giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại hòa bình và tôn trọng kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2020.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 31-1 cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar thả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các quan chức Myanmar khác bị lực lượng này bắt giữ trong các vụ đột kích vào rạng sáng cùng ngày tại nước này. Trong một tuyên bố, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc và đáng báo động" trước những thông tin bắt giữ các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự Myanmar.

Một số nước trong khu vực đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar. Malaysia kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh Malaysia ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các các nhà lãnh đạo của Myanmar để tránh hậu quả bất lợi cho người dân và đất nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố nước này quan ngại "sâu sắc" về tình hình đang diễn ra tại Myanmar và kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế và hợp tác hướng tới một kết quả hòa bình. Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, trong đó có pháp trị, dân chủ và chính phủ hợp hiến. 

Trong khi đó, Ấn Độ cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến ở Myanmar và hy vọng pháp quyền ở Myanmar phải được tuân thủ. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi sau khi quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước.

AN BÌNH