Báo Công An Đà Nẵng

Chinh chiến nơi miền đất lạ

Thứ ba, 04/05/2021 14:40

Tiếp sau tiểu thuyết “Dưới tán rừng Thốt nốt” (NXB Đà Nẵng in năm 2017), Truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” là cuốn sách thứ hai trong số “gia tài” khá nhiều đầu sách của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ chọn viết về đề tài người lính tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia - Chiến trường K, để giúp bạn hồi sinh đất nước sau thảm họa diệt chủng do Tập đoàn Pôl Pốt gây ra trên đất nước Chùa tháp. 

Bìa tập sách “Chinh chiến nơi miền đất lạ”.

Là một người lính trực tiếp cầm súng, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã có 5 năm chinh chiến ở một nơi mà theo tôi nhà văn đã gọi tên rất chính xác là “miền đất lạ”. Bởi ai cũng biết, chiến trường K là nơi người lính phải đối đầu trực tiếp với kẻ thù rất dã man độc ác, còn hậu phương đất mẹ lại ở bên kia biên giới, nơi người lính tình nguyện gửi bao thương nhớ quặn lòng. Và cũng chính miền đất lạ ấy đã đập vào anh bao nhiều điều bất ngờ giữa những tháng ngày can trường gian khổ, để rồi hơn 30 năm sau hồi ức đã cho anh những trang viết tươi mới về những câu chuyện giàu xúc cảm bởi chính nhà văn là người trong cuộc - người lính Đoàn 5503 một thời.

Cuốn sách tập hợp 25 truyện ký, bắt đầu từ đêm đầu tiên trên đất bạn Campuchia, trung tuần tháng 11-1980. Lúc đó, Nguyễn Tam Mỹ với tên Thái Nguyên Tài cũng chỉ là anh lính măng tơ 18 tuổi, gác lại giấc mộng văn chương để làm một người lính thực thụ như những gì tuổi trẻ mơ ước dấn thân ở thời điểm đó. “Đọc tiểu thuyết Dấu chân người lính của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tôi ao ước được dấn thân như nhân vật Lữ trong tác phẩm”... Đó là lời tâm sự chân thành của tác giả. Còn với cuộc chiến của người lính tình nguyện hôm nay không thiếu những người lính vĩnh viễn nằm lại, người may mắn sống sót trở về. Từ cái nhìn của người trong cuộc, người lính hiện lên với đầy đủ những nét đáng yêu, nhất là những suy nghĩ thật nhất về bản thân mình.

Nếu tiểu thuyết “Dưới tán rừng Thốt nốt” là một câu chuyện tình đẹp, nhân văn xuyên biên giới giữa nhân vật trung tâm là anh lính Việt tên Phiên và cô gái Kh’mer xinh đẹp sôi nổi Sô Khây từng dạy anh biết nhiều ngôn ngữ, trải qua bao kỷ niệm vui buồn miền đất lạ... và Krolanh - một cô gái tinh nghịch, đáng yêu, tràn đầy sức sống cũng đã đem lòng yêu Phiên. Hai cô gái với hai cách thể hiện tình yêu khác nhau nhưng điểm chung đó là một tình cảm chân thành dành cho Phiên, cùng mong mỏi âm thầm được đáp đền. Câu chuyện tình trong sáng, mộc mạc, bộc phát ấy trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết bởi nó được đặt trong bối cảnh giữa cuộc chiến, giữa vùng đất mà tội ác đã từng lên ngôi, thống trị. Còn “Chinh chiến nơi miền đất lạ” cũng lấy bối cảnh ấy- tức chiến trường K- nhưng mạch nguồn cảm xúc tác giả không cần phải hóa thân trong nhân vật mà anh viết ở đây với một giọng kể của chất tự truyện. Mỗi truyện ở đó là rất nhiều ký ức ùa về. Đó là đêm đầu tiên trên đất bạn, là bãi cát vàng nơi ngã ba sông... là chiến trường K mùa khô đi qua với đời lính quả thật khủng khiếp, một phép thử nghiệt ngã của tồn tại. Đó là Ốc M’re và những chuyện khó quên hay Ốs Kanđan, nơi anh Vinh ngã xuống, X’re Kanxan, xin chào giã biệt...

“Chinh chiến nơi miền đất lạ” đã dành toàn bộ những trang viết kể về những kỷ niệm của người lính tình nguyện Việt Nam ở chiến trường K nhưng nó không dừng lại ở câu chuyện ký ức chiến tranh mà tác giả đã khéo léo đưa người đọc đến những bất ngờ trong khám phá những phong tục, tập quán, hay những nhìn nhận mang tính triết luận về tình yêu, tình đồng chí, đồng đội và về cuộc đời với những rung cảm rất thi sĩ, rõ nhất như truyện ký “Một mình đi giữa rừng mưa”. Mải nghĩ về sự hy sinh của đồng đội ở chiến trường,  nhưng rồi những câu thơ cũng đã kịp bật ra giữa cánh rừng khộp chìm trong mưa yên lặng. 
Với truyện ký “Bí mật bị... bật mí”, không chỉ câu chuyện của những người lính xa nhà, những tâm sự đời tư, những tình cảm nảy nở, những rung động yêu đương đầu đời... mà tác giả còn gửi gắm cái sâu nặng của tình người, những nỗi nhớ thương trăn trở với quê nhà nơi có những người thân yêu nhất đang ngóng đợi các anh. Với chính tác giả đó là người mẹ, trong một lá thư “hai trong một”, tức một bì thư có hai lá thư một của mẹ và một của em. “Thư mẹ tôi viết bằng mực tím. Trong thư mẹ hỏi tôi đôi chân có còn bị bệnh thấp khớp hành hạ như lúc ở nhà, cuộc sống lính tráng nơi xứ người có vất vả khổ cực lắm không? Mẹ rất buồn khi tôi huấn luyện ở Quân cảng Kỳ Hà – Chu Lai, mẹ không đến thăm được vì đường sá quá xa xôi cách trở, xe cộ khó mua được vé...”. Đó còn là những tình cảm như chiếc khăn rằn Kh’mer, như cây Thốt nốt mang hình bóng quê với người em gái xứ Chùa tháp...

5 năm chinh chiến nơi miền đất lạ, Nguyễn Tam Mỹ trở về trong dòng cảm xúc khó tả như là để khép lại một quảng đời không thể nào quên, đó là vào dịp chuẩn bị đón Tết ở quê nhà Quảng Nam: “Tôi đeo ba lô bước lên những bậc ngõ đá cuối cùng, vào sân. Đang ngồi trước hiên nhà sàng sảy gạo nếp chuẩn bị gói bánh tét, làm bánh tổ, bánh khô khảo…vui xuân đón Tết Nguyên đán Ất Sửu -1985, mẹ tôi ngước lên nhìn và đánh rơi sàng gạo...”.

Khép lại hơn 270 trang sách, song nó mở ra bao hoài niệm, dấu ấn đẹp đẽ khó phai của người lính tình nguyện Việt của một thời và mãi mãi như những gì đồng đội tác giả đã nhắn gửi khi được tặng sách. Riêng với người viết bài này lại thầm nghĩ, chỉ có Nguyễn Tam Mỹ mới có thể làm được những việc thay đồng đội mình khi bóng câu qua cửa. Bởi anh là một nhà văn.

VÕ VĂN TRƯỜNG