Báo Công An Đà Nẵng

Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 11: Sớm bắt tay thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017

Thứ ba, 29/11/2016 08:47

(Cadn.com.vn) - Chiều 28-11, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 11 với nhiều nội dung cấp bách về xây dựng thể chế nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2017, đồng thời nghiêm túc tiếp thu, thảo luận các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội và sớm bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017; tránh để xảy ra tình trạng tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp.

Nghiêm túc thực hiện lời hứa

Nhận xét công tác chuẩn bị các nội dung báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua cũng như nghĩa vụ giải trình và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ đã được thực hiện khá tốt, Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ của Chính phủ là phải nhanh chóng triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Để tránh rơi vào tình trạng như quý I nhiều năm trước, các hoạt động sản xuất kinh doanh chậm triển khai do tâm lý nghỉ Tết kéo dài, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải chủ động để sớm bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội. 

Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ tập trung thảo luận xây dựng Nghị quyết 01, chuẩn bị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vào tháng 1 để tiến hành đánh giá, tập hợp vào Phiên họp cuối năm. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương cần bắt tay ngay vào việc thực thi nhiệm vụ quản lý, điều hành của năm 2017 với tinh thần chủ động ngay từ quý I; công khai minh bạch cơ chế phân cấp, giao quyền, hạn chế tối đa cơ chế xin - cho để các địa phương sớm tổ chức triển khai. 

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với đó là thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020... 

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội. “Các lời hứa trước Quốc hội, các Bộ trưởng đã hứa, Thủ tướng cũng trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề, nhưng có làm không? Hay chỉ nói để lấy lòng Quốc hội? Chính phủ nói phải đi đôi với làm, giữa lời nói và hành động cần phải đặt vấn đề rõ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống ngành chứng khoán Việt Nam (28-11-1996 – 28-11-2016) diễn ra sáng 28-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Sau 20 năm phát triển, đến nay thị trường chứng khoán trở thành kênh quan trọng huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, góp phần huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Quy mô vốn hóa thị trường tăng vượt bậc, đến nay khoảng 1,79 triệu tỷ đồng, đạt gần 43% GDP. Bắt đầu chỉ với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay thị trường đã có gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán và hơn 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn Upcom. Các doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu và huy động qua thị trường chứng khoán 380.000 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển và minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thị trường chứng khoán không chỉ là kênh huy động vốn từ các thành phần kinh tế, từ người dân, xã hội và nước ngoài, mà còn là công cụ tạo nguồn lực tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị và công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương độc lập hạng Nhì cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Q.V

Ứng phó kịp thời với biến động tỷ giá

Chỉ đạo các bộ, ngành sớm có biện pháp xử lý một số vấn đề kinh tế-xã hội nổi lên hiện nay, tránh tác động đến kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2016 và quý I-2017, Thủ tướng yêu cầu đối với sự biến động tỷ giá, dù không đáng lo ngại nhưng các ngành cần theo dõi sát tình hình để kịp thời có biện pháp ứng phó. Cùng với đó là tập trung xử lý sớm nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, lưu ý việc kiểm soát nợ công, giải quyết triệt để các trường hợp công trình, dự án, doanh nghiệp thua lỗ và làm tốt công tác dự báo, đánh giá đúng tình hình quốc tế tác động đến sự phát triển của đất nước. 

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận, có giải pháp khắc phục ngay các tồn tại nổi lên như chỉ số sáng tạo của Việt Nam giảm; các tồn tại mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu ra sau khi kiểm tra tại một số bộ, ngành. 

Còn hai tháng nữa là đến Tết, Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận việc lo Tết cho đồng bào, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ngay từ bây giờ. 

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Đề án Đặc khu kinh tế; kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện tin học hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; báo cáo về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chính phủ cũng thảo luận về báo cáo Đề  án “Xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.

T.Thủy – Q. Vũ