Báo Công An Đà Nẵng

Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc

Thứ tư, 11/11/2020 08:23

Từ 10 giờ 20 sáng 10-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo các vấn đề liên quan trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cho biết sẽ tập trung chỉ đạo sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo. Bảo đảm lương hưu cho người nghỉ hưu trước 1993.

Thủ tướng cho biết 6 năm qua Việt Nam đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Thủ tướng ghi nhận ý kiến của ĐBQH về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước 1993 và giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để thực hiện.

Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn

Thủ tướng cũng đánh giá vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, yêu cầu thời gian tới, tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn...

Thủ tướng nhắc tới những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, trong đó có những nạn nhân là những cháu nhỏ chưa kịp học xong bài học trên lớp..., bày tỏ trăn trở vì vẫn còn những trẻ em phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học... "Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc", Thủ tướng nhấn mạnh. Trong nhiều giải pháp, Thủ tướng đề xuất trồng thêm 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Cân đối ngân sách để đảm bảo kinh tế vĩ mô

Về mối quan tâm của các ĐB về bài toán cân đối ngân sách, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170 nghìn tỷ so với năm 2020. Thủ tướng cho biết rất thấm thía với câu hỏi này. Về giải pháp, trước hết, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này. Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo QH, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ. Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế… Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…  Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo QH nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngăn chặn Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Trả lời câu hỏi của ĐB về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc. Thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho DN, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Chọn người có tài giao việc

Với câu hỏi của ĐB về chọn được những người có đạo đức, có tài, có tầm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Người có tài nhất phải được sử dụng, đề bạt.

Q.H