Báo Công An Đà Nẵng

Chính quyền Hội An nói gì trước thực trạng chủ sở hữu tư nhân rao bán nhà cổ?

Thứ bảy, 20/05/2023 07:37
Nhiều căn nhà cổ tại Hội An treo bảng bán nhà.

Tham quan Phố cổ Hội An qua các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng… những ngày tháng 5 này, chúng tôi thấy có nhiều căn nhà cổ treo bảng bán nhà. Chủ 1 nhà cổ cần bán trên đường Trần Hưng Đạo thông tin, căn nhà trước đây bày bán hàng lưu niệm. Từ năm 2019, do dịch COVID-19 bùng phát, du khách vắng bóng, buôn bán ế ẩm nên gia đình chuyển ra TP Đà Nẵng kinh doanh ngành nghề khác và quyết định bán căn nhà cổ này với giá 25 tỷ đồng. Nếu khách hàng thiện chí muốn mua thì ông sẽ giảm giá còn 23 tỷ đồng.

Hiện nay, trên các trang web buôn bán bất động sản rao bán công khai nhiều căn nhà cổ trong Phố cổ Hội An với giá dao động từ 15 đến 60 tỷ đồng. Đơn cử một ngôi nhà có diện tích 102m2 trên đường Bạch Đằng đang rao bán với mức giá 60 tỷ đồng. Qua trò chuyện, chủ nhà cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, căn nhà cổ này cho 1 người thuê buôn bán vải giá hơn 80 triệu đồng/tháng. Do dịch, buôn bán gặp khó khăn nên người này dừng hợp đồng thuê nhà. "Bản thân tôi tuổi đã cao nên muốn bán căn nhà này vào TP Hồ Chí Minh sinh sống với con"- chủ nhà chia sẻ thêm.

Về thực trạng nhà cổ hiện nay, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, Hội An hiện có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, trong đó gần 100 ngôi nhà cổ trong diện nhà nước quản lý, chiếm khoảng 10%. Khi những ngôi nhà này xuống cấp sẽ được tu sửa theo đúng quy định. Có 20% nhà cổ do tập thể sở hữu, xây dựng nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ, 70% nhà cổ còn lại do tư nhân sở hữu. Trong những căn nhà do tư nhân sở hữu, có khoảng 30% người gốc Hội An sở hữu, còn lại của cá nhân từ Hà Nội, Sài Gòn mua lại và mở cửa hàng kinh doanh. Họ tìm cách sửa từng chi tiết để phục vụ mục đích kinh doanh nên khó quản lý. Cũng theo ông Sơn, hiện Phố cổ Hội An đang xảy ra tình trạng phai nhạt "hồn" phố, bởi hiện nay 70% căn nhà cổ được chủ nhà cho người khác thuê buôn bán. Thực trạng này khiến nhà cổ Hội An mất dần chức năng. Nếu như trước đây, nhà cổ ở Hội An có 3 chức năng: Dùng để ở, buôn bán và thờ cúng thì nay chỉ còn buôn bán. Và đây là những vấn đề nhức nhối của Hội An hiện nay.

Về giải pháp, ông Sơn chia sẻ, sắp tới Hội An sẽ thu bớt nhà cổ của các đơn vị sự nghiệp như của trung tâm văn hóa, bảo tàng. Sau khi trùng tu thì xây dựng phương án khai thác, sẽ đấu giá theo chủ đề, ví dụ như nhà trên đường Phan Bội Châu thì đang làm phố trà, phố thuốc bắc… Dần dần sẽ trả lại cho Hội An những chức năng hoạt động như ngày xưa, khoảng đầu thế kỷ XX. Hiện Hội An đang được Chính phủ giao cho xây dựng cơ chế đặc thù, ví dụ như nhà cổ Hội An thì sắp tới phải tạo nguồn quỹ để bảo tồn di sản có thể mua lại nhà cổ và cho người dân thuê ở.

"Quan điểm của tôi là phải làm cho đời sống người dân tốt đẹp hơn nhưng hạn chế việc biến nhà cổ thành điểm phục vụ kiếm tiền. Thực trạng này đã làm biến dạng di sản rất nhiều. Tuy nhiên giải quyết vấn đề này không dễ, cần có nhiều giải pháp, nhiều chính sách. Chúng tôi sẽ có đề án báo cáo với tỉnh, thậm chí cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có các giải pháp bảo tồn"- Chủ tịch UBND TP Hội An bày tỏ quan điểm.

Thành Nhân