Báo Công An Đà Nẵng

Chính quyền xã Ân Tường Đông tự ý cho người dân khai thác đất!

Thứ hai, 18/09/2017 21:00

Theo phản ảnh của người dân ở thôn Thạch Long 1 (xã Ân Tường Đông, H. Hoài Ân, Bình Định), khoảng 1 tháng nay, một số người tự ý đưa máy đào vào khu vực đồi Gò Lồi (thuộc địa phận thôn Thạch Long 1) khai thác đất. Mỗi ngày, hàng chục lượt phương tiện ô-tô tải hiệu Chiến Thắng, xe công nông, máy cày nườm nượp ra, vào khu vực này "ăn đất"; sau đó, chở đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Quá trình vận chuyển, chủ phương tiện không che chắn cẩn thận, khiến đất trên xe rơi vãi xuống mặt đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất an toàn giao thông. Đáng nói, khu vực khai thác đất nằm kề Tỉnh lộ 631 và cách trụ sở UBND xã Ân Tường Đông chừng vài cây số, nhưng chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Hoạt động khai thác đất diễn ra công khai tại khu vực Gò Lồi dù chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép. Ảnh chụp sáng 12-9.

Từ thông tin phản ảnh của người dân, phóng viên đã về khu vực Gò Lồi để "mục sở thị" hoạt động khai thác đất. Theo quan sát, trên khu vực đồi rộng hơn 2.000m2 có một máy đào liên tục múc đất đổ lên các xe tải đang đậu chờ. Qua quá trình khai thác, khu vực đồi rộng lớn bị đào bới, san gạt bằng phẳng; đồng thời, tạo thành lòng chảo khá sâu so với mặt bằng xung quanh. "Không biết xã, huyện đồng ý hay chưa mà họ vô tư múc đất cả tháng nay, xe tải, xe công nông chở đất chạy nườm nượp. Nhiều xe chở đất không che chắn cẩn thận, làm rơi dày đặc trên đường, mỗi khi xe qua lại bụi bay mù mịt, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhiều hộ gia đình", bà Lê Thị Hương (trú thôn Thạch Long 1) nói.

Về việc này, ông Trần Hữu Lợi- Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, xác nhận: Khoảng đầu tháng 8-2017, ông Trần Thanh Tâm (trú thôn Thạch Long 1) tự ý đưa máy đào vào khu vực Gò Lồi san lấp, cải tạo mặt bằng thửa đất trước đây gia đình ông sử dụng vào mục đích trồng keo. Sở dĩ có việc này là do thửa đất của gia đình ông Tâm nằm dưới hành lang tuyến của hệ thống lưới điện 220kV và 110kV; bị giới hạn đối với chiều cao cây trồng bên dưới nên không thể tiếp tục trồng keo; phải cải tạo mặt bằng để chuyển sang trồng tiêu và bơ. Sau khi phát hiện hành vi tự ý cải tạo mặt bằng, khai thác đất của ông Tâm, UBND xã cử cán bộ chuyên môn tới hiện trường kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai; nhưng sau đó chỉ nhắc nhở chứ chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đến ngày 18-8, ông Tâm làm đơn xin cải tạo đất gửi UBND xã Ân Tường Đông; xét điều kiện ông Tâm cải tạo mặt bằng để chuyển qua trồng loại cây khác là phù hợp thực tế nên lãnh đạo xã chấp thuận. Địa phương cũng yêu cầu ông Tâm cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình làm và không gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. "Chúng tôi biết làm như vậy là không đúng thẩm quyền, nhưng do nhu cầu của người dân nên đành cho họ làm; việc này xã cũng đã báo cáo miệng cho lãnh đạo huyện", ông Lợi thẳng thắn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Rô- Phó trưởng Phòng TN&MT H. Hoài Ân, cho biết: "Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cải tạo mặt bằng hoặc khai thác đất đều phải lập thủ tục hồ sơ theo đúng quy định và khi nào được cấp thẩm quyền cho phép mới được làm. Dù bất cứ lý do gì, việc UBND xã Ân Tường Đông không báo cáo huyện; không ngăn chặn mà còn tự ý để cá nhân cải tạo mặt bằng, lấy đất bán là không đúng quy định pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản. Phòng TN&MT sẽ làm việc, yêu cầu lãnh đạo địa phương này báo cáo cụ thể sự việc; đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử lý theo quy định".

DƯƠNG MINH