Báo Công An Đà Nẵng

Chính sách đặc thù của Đà Nẵng có gì nổi bật?

Thứ bảy, 17/02/2024 07:21
Cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược đến với Đà Nẵng vẫn rộng mở khi mà nhiều chính sách đặc thù tạo động lực phát triển bứt phá được đề xuất.

Ngoài đề xuất một số chính sách đặc thù đã được cho phép triển khai tại các địa phương khác, nhưng chưa áp dụng tại Đà Nẵng thì thành phố (TP) cũng đề xuất thêm các chính sách mới mang tính vượt trội theo thực tế của địa phương. Trong đó, liên quan đến quản lý đầu tư, Đà Nẵng đề xuất Hội đồng nhân dân TP (HĐND TP) được quyết định chủ trương giao cho nhà đầu tư làm chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông, công trình công cộng từ nguồn vốn của nhà đầu tư (không sử dụng ngân sách) gồm cầu/hầm đi bộ qua đường trên các tuyến đường ven biển, bãi đỗ xe khu vực trung tâm TP, công viên… phục vụ mục đích công cộng (tài trợ bằng sản phẩm). Nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai dự án đảm bảo tuân thủ quy định. Tương tự, HĐND TP được xem xét, quyết định đầu tư cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định hiện hành. Tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng CCN. UBND TP được quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN. Đối với những thay đổi nhỏ, thường xuyên về tên gọi, vị trí, diện tích (từ 5ha trở xuống), ngành nghề hoạt động… không làm thay đổi mục tiêu, bản chất trong quy hoạch đã được phê duyệt thì UBND TP sẽ xem xét, phê duyệt và báo cáo nội dung đã phê duyệt cho Trung ương.

Liên quan chính sách về tài chính, ngân sách, thuế, hải quan thì Đà Nẵng cũng đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Cơ sở để Đà Nẵng đề xuất theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, trong đó có vai trò trung tâm tài chính; Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị cũng đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng; trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề cập việc tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do…

Đà Nẵng đề xuất chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược dự án Tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển Liên Chiểu.

Một chính sách đặc thù quan trọng khác Đà Nẵng đề xuất liên quan đến công nghiệp vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hiện nay TP đang có các nguồn lực tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ như Không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên Phần mềm số 2, Tòa nhà 58 Nguyễn Chí Thanh, Dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu công nghệ cao có thể phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý để khai thác, phục vụ và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng đề xuất những tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo do HĐND TP quyết định đầu tư công và giao cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập quản lý, sử dụng, khai thác. HĐND TP được giao thẩm quyền quyết định đầu tư công kết cấu hạ tầng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. UBND TP có trách nhiệm lập đề án quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trình HĐND TP phê duyệt triển khai.

Bên cạnh các chính sách đặc thù mới, Đà Nẵng cũng đề xuất các chính sách được áp dụng tương tự như một số địa phương khác, nổi bật như chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược được xác định đầu tư xây dựng, kinh doanh một số lĩnh vực gồm Tổ hợp Trung tâm tài chính có vốn từ 80 ngàn tỷ đồng trở lên; Tổ hợp công viên chuyên đề vui chơi giải trí có diện tích trên 200 ha quy mô từ 7 ngàn tỷ đồng trở lên; Tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển Liên Chiểu quy mô đất từ 300 ha trở lên; Tổ hợp khu phi thuế quan (có thể kết hợp đô thị thông minh, khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch quy mô diện tích từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số trên 50 ngàn người); Xây dựng khu vực quận Trung tâm thương mại (CBD) An Đồn, quận Sơn Trà từ 50ha trở lên, các dự án có vốn đầu tư từ 50 ngàn tỷ trở lên; Dự án công nghệ chip bán dẫn, vi mạch tích hợp, pin công nghệ mới quy mô từ 6 ngàn tỷ đồng trở lên; Dự án công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng sạch, trung tâm đổi mới sáng tạo có quy mô từ 2 ngàn tỷ đồng trở lên. Các nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo các tiêu chí, nghĩa vụ và sẽ nhận được nhiều ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đề xuất giao HĐND TP chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50ha dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. HĐND TP quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP; quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, người hoạt động không chuyên trách phường, xã theo hiệu quả công việc.

HẢI QUỲNH