Báo Công An Đà Nẵng

Chính trường Hàn Quốc ngày càng rối ren

Thứ ba, 10/12/2024 16:31
Người biểu tình cầm biểu ngữ và gậy phát sáng kêu gọi luận tội và bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol trước Quốc hội tối 8-12. Ảnh: Yonhap

Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng hàng loạt quan chức cấp cao đang bị điều tra liên quan tới việc ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật trong vài giờ hôm 3-12. Tuy nhiên, nỗ lực luận tội ông Yoon đã thất bại vào ngày 7-12 do sự tẩy chay của đảng cầm quyền. Dù đã nhấn mạnh rằng tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống là vi hiến, nhưng Chủ tịch đảng PPP Han Dong Hoon cũng đã tránh bỏ phiếu vào phút cuối. Các nhà lập pháp PPP thậm chí đã ra nghị quyết trong nội bộ đảng về việc phản đối luận tội và thực hiện việc bỏ ra khỏi phòng họp do lo ngại sẽ có người bỏ phiếu.

Ngày 8-12, đảng PPP có cuộc họp với Thủ tướng Han Duck Soo, sau đó ra tuyên bố Thủ tướng Han Duck Soo sẽ giải quyết các vấn đề quốc gia với sự tham vấn chặt chẽ của đảng cầm quyền. Tuyên bố nói rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ không còn tham gia vào các công việc của đất nước, kể cả ngoại giao, và sẽ có sự chuẩn bị cho việc ông rời khỏi vị trí một cách "sớm và có trật tự".

"Vi hiến"

Theo giới phân tích, kế hoạch điều hành đất nước của PPP thiếu cơ sở pháp lý vững chắc vì Hiến pháp Hàn Quốc chỉ cho phép một tổng thống lâm thời thay thế khi tổng thống không thể đảm đương vai trò nguyên thủ quốc gia và vị trí bị bỏ trống do tai nạn. Tình huống hiện nay không đáp ứng điều kiện này. Lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) đối lập Lee Jae Myung ngay lập tức chỉ trích gay gắt quyết định của đảng cầm quyền là hành động "phá hủy trật tự hiến pháp" thêm một lần nữa khi tổng thống vẫn đang tại vị. Đảng DP cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ có hai lựa chọn: phải tự nguyện từ chức hoặc bị luận tội càng sớm càng tốt. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik cũng cho rằng việc thủ tướng và đảng cầm quyền cùng thực thi quyền lực của tổng thống rõ ràng là vi hiến; đồng thời cho biết Quốc hội đã đề xuất một cuộc họp giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập để ngay lập tức đình chỉ chức vụ của tổng thống.

Theo ông Kim Hae-won, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Quốc gia Pusan, không có cơ sở hiến pháp nào ủng hộ tuyên bố của đảng cầm quyền rằng ông Yoon có thể tiếp tục tại vị nhưng chuyển giao quyền lực cho các quan chức đảng không được bầu chọn. "Điều này có vẻ giống một cuộc đảo chính mềm vi hiến. Nếu có vấn đề với Tổng thống, hiến pháp đã quy định những cách thức như đình chỉ nhiệm vụ của tổng thống, sau đó tiến hành các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, chẳng hạn như luận tội", ông nói. Phe đối lập tuyên bố họ sẽ cố gắng luận tội tổng thống một lần nữa, và lãnh đạo Lee Jae-myung cho biết một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức vào ngày 14-12.

Tổng thống bị cấm xuất cảnh

Yonhap đưa tin ngày 9-12, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị cấm xuất cảnh trong thời gian chờ điều tra về các cáo buộc phản quốc và các tội danh khác liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật hồi tuần trước. Lệnh cấm được Bộ Tư pháp ban hành ngay sau khi Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với Quan chức Cấp cao (CIO) thông báo đã đệ trình yêu cầu ra lệnh này.

Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đang gặp khó khăn hơn khi phải đối mặt với rủi ro pháp lý vì chính quyền đã mở nhiều cuộc điều tra về lệnh thiết quân luật. Cảnh sát cũng không loại trừ khả năng thẩm vấn trực tiếp ông Yoon Suk Yeol. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã thành lập một nhóm đặc biệt gồm khoảng 150 điều tra viên để xử lý vụ án. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị cả cảnh sát và bên viện kiểm sát đưa vào diện tình nghi trong các cuộc điều tra về tội phản quốc, nổi loạn và lạm dụng quyền lực cùng với nhiều quan chức cấp cao chính phủ và quân đội cấp cao liên quan đến các quá trình ban bố và triển khai thiết quân luật.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị thẩm vấn lần thứ 3

Ngày 9-12, các công tố viên đã tiếp tục tiến hành phiên thẩm vấn lần thứ 3 đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội phản quốc, lạm dụng quyền lực. Đây là lần thứ 3 ông Kim bị thẩm vấn kể từ sau khi bị bắt khẩn cấp vào ngày hôm trước. Ông Kim được xác định là nghi phạm chính trong vụ Tổng thống Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật tuần trước. Ông bị cáo buộc là người chủ mưu trong việc ban bố lệnh thiết quân luật cấm mọi hoạt động chính trị cũng như điều động lực lượng quân đội đến trụ sở Quốc hội và các văn phòng của Ủy ban Bầu cử quốc gia sau tuyên bố của Tổng thống Yoon vào đêm 3-12. Trong quá trình thẩm vấn, ông Kim được cho là đã thừa nhận mối liên quan của mình đối với vụ việc, bao gồm đề xuất thiết quân luật, nhưng tuyên bố rằng hành động của ông không bất hợp pháp và không vi hiến.

AN BÌNH

Tổng thống Hàn Quốc đối mặt tình thế “ngàn cân treo sợi tóc“

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 5-12, cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra cáo buộc Tổng thống Yoon Suk Yeol phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật.

Những tác động sâu rộng sau “cú sốc“ thiết quân luật tại Hàn Quốc

Lệnh thiết quân luật ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã để lại những hệ lụy sâu sắc về chính trị, kinh tế và uy tín quốc tế của Hàn Quốc.

6 giờ căng thẳng ở Hàn Quốc khi thiết quân luật được ban bố sau 44 năm

Chính trường và dư luận xã hội Hàn Quốc trải qua hơn 6 giờ đồng hồ trong tình trạng thiết quân luật, đánh dấu lần đầu tiên lệnh này được công bố trong 44 năm qua ở quốc gia Đông Á.