Báo Công An Đà Nẵng

Chờ “cái bắt tay lịch sự ” Mỹ-Triều

Thứ hai, 30/04/2018 11:11

Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, mọi con mắt đổ dồn về cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, nhiều người đặt nhiều hy vọng cho hội nghị Mỹ-Triều sắp tới. TRONG ẢNH: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hôm 27-4.    Ảnh: UPI

Thế giới vẫn đang ngập tràn hy vọng cho một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên khi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra thành công ngoài sức mong đợi. Những lời khen ngợi, tán dương dồn dập đổ về bán đảo Triều Tiên, sau khi hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều đã nhất trí “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 29-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ khen ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “anh hùng của mọi người”, sau khi ông cam kết phối hợp với phía Hàn Quốc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Phát biểu trên của ông Duterte được xem là sự thay đổi thái độ hoàn toàn, khi nhiều lần trong quá khứ ông chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên vì tham vọng hạt nhân, thậm chí từng gọi ông Kim Jong-un là “gã ngốc”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã không ngần ngại ca ngợi, việc hai miền Triều Tiên tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 27-4 là tin tốt với thế giới.

Con đường còn dài

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này còn phụ thuộc vào cuộc gặp Mỹ-Triều sắp tới.

Bởi trên thực tế, dù tuyên bố “phi hạt nhân hóa”, nhưng tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo không nói rằng, Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. 

Vì vậy, thành công của cuộc gặp thượng đỉnh lần này chỉ là bước đầu và quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ rất gian nan. Bước tiếp theo trong tiến trình ngoại giao khó khăn này là để cho Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ sắp tới. Và tất nhiên, trách nhiệm nặng nề đang đổ dồn trên vai Tổng thống Trump. Bản thân ông chủ Nhà Trắng, dù hoan nghênh thành công của hội nghị liên Triều, cũng thận trọng cho rằng, “chỉ có thời gian mới có thể trả lời”.

Khó có thể đánh giá chắc chắn cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cho đến khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán. Đó có thể là khoảnh khắc hòa bình thực sự bén rễ hoặc sụp đổ. Số phận của cuộc gặp liên Triều phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Ông Moon đã đổ rất nhiều vốn liếng chính trị để đặt cược vào cuộc gặp này. Nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, người dân Hàn Quốc có thể cảm thấy ông Moon đã tiến quá nhanh, quá xa trước người dân, và đặt liên minh với Mỹ vào thế nguy hiểm.

Hy vọng vào những tín hiệu xanh từ Triều Tiên

Dù khá gian nan, nhưng các bên liên quan đều tỏ ra rất lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận lịch sử khi Triều Tiên liên tiếp đưa ra những tín hiệu xanh đáng mừng.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 29-4 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng, ông sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggyeri trong tháng 5 và mời các chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ đến kiểm tra, Bình Nhưỡng cũng thể hiện thái độ hòa giải mang tính biểu tượng cao thông qua việc hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ điều chỉnh múi giờ nhanh hơn 30 phút so với trước. “Do chúng tôi là bên thay đổi giờ chuẩn, nên chúng tôi sẽ chỉnh lại theo múi giờ ban đầu. Các bạn có thể thông báo công khai việc này”, ông Kim Jong-un được dẫn lời nói.

Hàn-Triều nằm trên bán đảo bị chia cắt có múi giờ khác nhau kể từ năm 2015, khi Bình Nhưỡng bất ngờ thay đổi giờ chuẩn chậm hơn Seoul 30 phút. Viện dẫn lý do cơ bản liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, Triều Tiên nhấn mạnh, nước này sẽ quay trở lại múi giờ được sử dụng trước thời kỳ cai trị thuộc địa của Nhật Bản đối với bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945, để đánh dấu dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bình Nhưỡng giải phóng khỏi Tokyo. Vì vậy, sự thay đổi bất ngờ của Bình Nhưỡng cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền ông Kim Jong-un.

Tại Mỹ, Tổng thống Trump cũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố “mọi thứ đang diễn ra rất tốt” trong bối cảnh CBS News cho biết, Mông Cổ và Singapore là hai địa điểm cuối cùng đang được xem xét cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

KHẢ ANH