Báo Công An Đà Nẵng

Chợ chạy

Thứ ba, 01/04/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Cách vài trăm mét, đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) lại có một bảng “Cấm họp chợ”, vậy nhưng ngày ngày nơi đây vẫn diễn ra cảnh mua bán thủy sản. Khách mua chủ yếu là công nhân tan ca, công nhân viên chức đi làm về, sinh viên, người đi dạo mát... Người bán là vợ, con ngư dân hoặc những người buôn bán nhỏ lẻ, chạy chợ mưu sinh với tôm, cá, mực, cua, ghẹ, sò, nghêu, ốc...

Ồn ào mua bán ven đường.

“Chợ chạy” bán… chạy

Buôn có bạn, bán có phường. “Chợ chạy” trên đường Nguyễn Tất Thành cũng không nằm ngoại lệ này. Mỗi nhóm có từ 3 đến 7 người bán hải sản và thay nhau canh chừng. Cứ thấy quy tắc đô thị tới thì ới nhau cùng bỏ chạy. Một ngày có thể bị quy tắc đô thị “ví” tới vài ba lần nên việc chạy trốn trở thành chuyện cơm bữa của những người bán hải sản rong này. Chị Cúc, 35 tuổi (P. Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê) không ngần ngại cho biết: “Tôi bán ở đây 3 năm rồi. Biết là không được bán ở đây nhưng người đi đường mua nhiều lắm, bán hàng rất chạy. Vừa bán, vừa phải canh chừng, chỉ cần thấy bóng họ (quy tắc đô thị) là chúng tôi lại gánh hàng bỏ chạy. Một ngày chạy 3 - 4 lần là bình thường”.

Thường ngày, từ 6 giờ đến 8 giờ 30, buổi chiều từ 15 giờ 30 đến 18 giờ, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành xuất hiện nhiều gánh hàng thủy sản. Cách nhau 15 – 20 m lại có một nhóm, đặt mâm, thúng bán hàng. Họ luôn ở tư thế ngồi xổm, thấy quy tắc đô thị từ xa, họ lại tất tưởi chạy. Người bán bộ thì gánh hàng chạy qua vệ đường để trốn, người có xe máy thì buộc nhanh thúng hàng vào yên rồi lao đi vun vút. Người đổ ra biển, kẻ đến khu vực ráp ranh địa bàn 2 quận Thanh Khê, Liên Chiểu để né tránh.

Khoảng 15 phút sau, quy tắc đô thị đi, họ lại chuyển hàng hóa về chỗ cũ và tiếp tục mời chào khách. Có 5 năm kinh nghiệm “chợ chạy”, chị Hiền, 45 tuổi (P. Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) thẳng thắn chia sẻ: “Hàng hóa dạo này ế ẩm lắm. Tôm cá thì làm sao để qua nhiều ngày được nên chúng tôi phải bán thốc bán tháo còn về lo cơm nước, nhà cửa nữa. Bị quy tắc đô thị nhắc nhở cũng chạnh lòng lắm nhưng chỉ có ở đây bán thì may ra gánh hàng tôi mới hết được”.

Lo âu hiện tương chạy khỏi… chợ?

Để chấm dứt tình trạng “chợ chạy”, UBND Q. Thanh Khê đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nhằm xây dựng chợ Hải sản, gần bên bờ sông Phú Lộc. Chợ đưa vào hoạt động từ tháng 5-2011, rộng rãi, khang trang nhưng cả người bán lẫn người mua đều không mấy mặn mà. Dạo quanh chợ một vòng, nhiều mặt hàng tươi sống được bày bán rất bắt mắt, thế nhưng người bán nhiều hơn khách mua, rất nhiều lô hàng bỏ trống.

Chị Vân, 43 tuổi (P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê) chỉ tay vào các mặt hàng thủy sản buồn bã: “Ngồi bán hàng từ sáng đến giờ nhưng chưa thấy ai tới hỏi mua, cứ thế này đến đêm là nhà tôi lại phải tiếp tục ăn cá. Nhìn mà xót lắm, bán không hết, để qua ngày nó lại hỏng. Để mai bán thì còn gì hải sản tươi sống? Gần một tháng ngồi bán mà không được mấy người mua như thế này rồi, chỉ mong có người mua thôi, chứ chưa cần thu hồi lại vốn liếng. Chắc mai mốt, tôi phải bỏ chợ để ra ngoài bán rong thôi, chỉ có thế may ra mới bán được hàng”.

Chợ Hải sản nhiều người bán, ít người mua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng “chán chợ” muốn ra bán ngoài chủ yếu do người bán không muốn bị ràng buộc bởi giá cả chợ, cân đúng hàng, đúng lạng, khó kiếm tiền lời lãi. Đặc biệt, người mua thích nhanh, đỡ tốn công gửi xe nên chỉ muốn dừng ngay dọc đường để giao thương, trao đổi. Không hiếm người mua có suy nghĩ, hàng hóa bán ngoài đường tươi sống hơn trong chợ. Nhưng thực tế, bị cân thiếu, đòi giá bán trên trời...  song nhiều người mua muốn nhanh gọn vẫn chấp nhận mua.

Thói quen nói trên khiến việc kiểm tra, xử lý của các ngành hữu quan gặp nhiều khó khăn. Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị Q. Thanh Khê Trần Tuấn Lực cho biết: “Qua quá trình làm việc, đa số người bán hàng đã vào chợ để buôn bán. Tuy nhiên còn một lực lượng không nhỏ vẫn thích buôn bán dọc đường. Dù đã tuyên truyền, cảnh cáo và thẳng tay xử phạt nhiều trường hợp nhưng cả người bán và người mua vẫn cứ vi phạm. Thấy lực lượng đến kiểm tra, họ lại bưng hàng bỏ chạy, đợi chúng tôi đi kiểm tra đoạn khác, họ trở lại bán như thường”.

Không biết đến bao giờ người bán, người mua mới về đúng vị trí của họ? Chỉ biết rằng, con đường thơ mộng Nguyễn Tất Thành ngày ngày sặc mùi tôm cá, nhếch nhác, ùn tắc giao thông và tiềm ẩn TNGT...

Nguyễn Quỳnh Anh