Báo Công An Đà Nẵng

Chợ cóc vùng ven

Thứ sáu, 05/06/2015 11:25

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, chợ cóc, chợ tạm là câu chuyện “thường ngày ở phường” tại Đà Nẵng. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố cũng như các địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, kết quả là đa phần chợ cóc được dẹp bỏ, tạo cảnh quan đô thị ngày càng đẹp. Tuy nhiên, ở một số vùng ven chợ cóc vẫn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự đô thị...

Tuyến đường Nguyễn Tất Thành chạy dài từ Q. Hải Châu lên đến tận H. Hòa Vang (đoạn Nguyễn Tất Thành nối dài) là một con đường đẹp chạy dọc theo vịnh Đà Nẵng. Đây cũng là nơi để du khách từ phía Bắc có dịp ghé Đà Nẵng ngắm cảnh quan khi bắt đầu vào hoặc rời khỏi thành phố. Thế nhưng, nhiều năm nay đó cũng là nơi buôn bán hải sản của nhiều người và dần hình thành nên những chợ cóc dọc tuyến đường này, tập trung nhất là đoạn từ đường đoạn cắt Hà Huy Tập đến cầu Phú Lộc thuộc địa bàn P. Xuân Hà và P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê. Việc buôn bán dọc tuyến đường này ngoài gây mất cảnh quan còn là cả một vấn đề xã hội, đó chính là nạn “buôn gian bán lận” thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của con người Đà Nẵng.

Trước thực trạng này, chính quyền Q. Thanh Khê và hai phường nói trên tổ chức nhiều đợt ra quân, xử lý và tình hình có giảm hẳn. “Để tạo thuận lợi cho những hộ buôn bán này, Q. Thanh Khê và các phường còn lập ra chợ hải sản ngay gần khu dân cư cầu Phú Lộc để đưa các hộ vào đó, hiện chợ này đã phát huy tác dụng và nhiều người vào đây mua bán, việc “cân gian, cân điêu”, chất lượng hải sản cũng được đảm bảo hơn nên người tiêu dùng có thể yên tâm mua hàng hóa tại chợ này”, ông Đinh Quang Tưởng- Phó Chủ tịch UBND P. Thanh Khê Tây cho biết. Tuy nhiên, thực tế thì trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành do lượng người qua lại tuyến đường này hàng ngày rất đông, nhu cầu mua hải sản lớn, lợi nhuận cao nên một số ít người cố tình chiếm dụng các vị trí trên tuyến để buôn bán hải sản. Để tránh cơ quan chức năng từ chỗ ngồi cố định họ chuyển sang hình thức “chợ chạy” nên cần thiết phải tăng cường các biện pháp xử lý.

Xe lấn hết đường Trần Đình Tri.

Gần cả năm nay, khi chợ cóc tại ngã tư đoạn Hồ Tùng Mậu- Giáp Văn Cương (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) được di dời về khu vực bãi đất trống đoạn cuối đường Kinh Dương Vương- Trần Đình Tri thì tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm thiểu nhưng việc lấn chiếm lòng đường để buôn bán, để xe vẫn diễn ra vào mỗi buổi chiều. Đường Trần Đình Thi có chiều rộng lòng đường 7,5m và Kinh Dương Vương là 11,5m, tuy nhiên cứ vào tầm 16-17 giờ chiều thì không còn lối nào để người dân đi lại, cả hai bên vỉa hè được các hộ tận dụng buôn bán rồi tràn xuống cả lòng đường, người dân “tranh thủ” để xe dưới lòng đường để ghé vào chợ mua hàng tạo ra cảnh bát nháo và nguy cơ mất ATGT rất cao. Trước đó, trong một lần đi qua đây chúng tôi chứng kiến vụ một chiếc ô-tô 7 chỗ khi lưu thông từ đường Kinh Dương Vương rẽ vào Trần Đình Tri để đi ra đường Nguyễn Tất Thành, khi đến khu vực chợ trên đã đâm vào xe máy của một người phụ nữ dựng giữa lòng đường để mua hàng. May mắn do đường đông nên người điều khiển ô-tô chạy chậm qua đó chỉ khiến 2 mẹ con trên chiếc xe máy bị sây sát nhẹ.

Cách đó không xa, khu chợ tạm tại đoạn Kinh Dương Vương- Lâm Quang Thự- Phạm Đình Hổ là khu vực giáp ranh giữa P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê) và P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu). Tuy chợ tạm này nằm hoàn toàn trên địa bàn P. Hòa Minh nhưng lại là nơi buôn bán của dân cư 2 phường và tồn tại từ năm 2004 đến nay. Do đây là chợ tạm, không có hệ thống thoát nước riêng mà tất cả chỉ phụ thuộc vào hệ thống thoát nước mưa công cộng nên bên trong chợ rất ô nhiễm. Dọc các lề đường quanh chợ cũng được các hộ buôn bán tự ý khoanh vùng, chia lô buôn bán hàng ăn. Ngoài ra còn các xe đẩy, xe bán hàng rong của các hộ dân khác cũng ùn ùn kéo về đây nên cứ vào mỗi buổi sáng người dân từ đường Kinh Dương Vương vào ra các nhánh Lâm Quang Thự- Phạm Đình Hổ gần như không có đường đi. Trong khi đó, nhiều người dân khi đến ăn uống, mua săm hàng hóa tại chợ vào buổi sáng cũng để dồn hết xe xuống lòng đường Kinh Dương Vương gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tiến Dũng - Chủ tịch UBND P. Hòa Minh xác nhận tình trạng tại 2 khu chợ tạm nói trên là có thật. Để đảm bảo ANTT-ATGT, thời gian qua phường cũng cử lực lượng đến xử lý nhưng thời gian gần đây do tập trung xử lý tại khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Huy Tưởng (P. Hòa Minh) nên tình trạng lấn chiếm tại 2 khu chợ trên tái diễn. Theo ông Dũng, hiện thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án xây dựng khu chợ mới ở cuối đường Kinh Dương Vương (gần khu chợ tạm hiện nay) với diện tích 3.000m2 để đưa các tiểu thương trong 2 chợ tạm nói trên vào đây buôn bán. “Trong thời gian chờ xây dựng chợ mới, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường lực lượng đến các chợ tạm để lập lại ANTT-ATGT, đảm bảo cho người dân mua bán được an toàn”-ông Dũng cho biết thêm.          

Nguyễn Tuấn