Cho dó trầm Trung Phước bay xa...
(Cadn.com.vn) - Một trong những "cha đẻ" của công trình nghiên cứu trồng và cấy trầm cho cây dó bầu ở Tiên Phước là anh Trương Công Lương (51 tuổi, trú TT Tiên Kỳ, H. Tiên Phước, Quảng Nam), đã được chúng tôi đề cập trong loạt bài "Dài kỳ chuyện trầm kỳ" thì tại làng Trung Phước, xã Quế Trung, H. Nông Sơn, cũng xuất hiện nhân vật "khai sinh" làng nghề gió trầm nổi tiếng - ông Nguyễn Trường Bộ. Sản phẩm trầm hương người Trung Phước chế tác giờ không chỉ nổi tiếng cả nước mà còn xuất sang Nhật, Đài Loan, Singapore...
Chuyện 20 năm trước
Khách thập phương đến làng Trung Phước bây giờ, ấn tượng đầu tiên là những dãy phố với những ngôi nhà bề thế không thua kém bất cứ khu phố sang trọng nào ở những đô thị lớn. Cảm nhận nữa là lan tỏa khắp làng mùi hương thơm ngây ngất của những cây trầm gió mà dân làng đang miệt mài chế tác. Ông Nguyễn Trường Bộ - một lão nông, đồng thời cũng là một nghệ nhân chế tác trầm dó của làng, năm nay đã bước qua tuổi 60 cho biết: "Hàng chục cơ sở chế tác cây dó trầm hương bây giờ, trước đây đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mỗi người thợ cũng chính là những "tay địu" từng một thời "ngậm ngải" lang thang đại ngàn Trường Sơn để tìm trầm và tôi cũng nằm trong số những người đó".
Nghệ nhân nữ ở làng nghề trầm hương cảnh Trung Phước chế tác sản phẩm trầm cảnh từ cây dó trầm. Ảnh: H.T |
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chán với những chuyến lăn lộn nơi rừng sâu núi thẳm, ông Bộ đưa cây dó hoang dã - loại cây cho ra sản phẩm trầm hương về ươm thử trong vườn nhà. Chỉ là thử, nhưng không ngờ chỉ sau một thời gian, cây dó rừng bén rễ đâm chồi, lên xanh tốt và nó là "cơ duyên" để hình thành làng nghề Trung Phước ngày nay. Trồng thành công cây dó, cũng chính ông Bộ là người đầu tiên mày mò, chế tác sản phẩm trầm cảnh từ cây dó bầu.
Ông nhớ lại: "Tháng 5-1985, từ một cây gió bầu đã có hàng chục năm tuổi mọc trên núi, tui chế tác thành sản phẩm cây trầm cảnh đầu tiên. Cây trầm cảnh đó bán được với giá hơn 20 triệu đồng đã tạo nên một cơn sốt trong giới tìm trầm thời đó. Vậy là người làng đua nhau đến tìm hiểu, rồi học tập cách làm nghề chế tác trầm cảnh, mở cơ sở sản xuất. Có lẽ vì vậy mà tui được coi là nghệ nhân chế tác trầm hương cảnh đầu tiên của làng".
Ông Nguyễn Kim Dũng - nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Phước cho biết: "Hiện trên địa bàn Quế Trung có hơn 40 cơ sở sản xuất trầm cảnh, hàng mỹ nghệ bằng trầm, thu hút hơn 400 lao động. Nghề chế tác trầm cảnh có thu nhập rất khá, cuộc sống người dân, bộ mặt của làng cũng ngày một đổi thay. Những ngôi nhà tranh tre tạm bợ giờ thay bằng nhà lầu kiên cố. Nói không ngoa, Trung Phước nay chẳng khác chi phố thị". Ông Dũng cũng cho biết thêm, làng nghề đi vào hoạt động ổn định mới chỉ khoảng 5 năm gần đây, nhưng nhiều khách hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Singapore... đã tìm về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Số lượng hợp đồng đặt hàng ngày càng lớn, làng nghề cũng vươn ra thị trường bằng những công nghệ tiếp cận, quảng bá, giới thiệu, bán hàng hiện đại, nhanh nhạy hơn. Khách hàng không còn phải về tận nơi đặt hàng, mà có liên lạc qua hệ thống Internet là sản phẩm trầm hương cảnh được đóng gói chuyển đi theo số lượng yêu cầu. Sản phẩm trầm hương cảnh cũng đã nhận được thư mời tham gia hội chợ trong nước và các nước trong khu vực, số lượng khách hàng đến giao dịch ngày càng đông...
Sản phẩm vòng đeo tay chế tác từ cây dó trầm hương có giá trị cao. |
Cho dó trầm Trung Phước bay xa...
Sản phẩm trầm hương chế tác từ cây dó của làng nghề Trung Phước rất phong phú, đa dạng. Ông Võ Anh Vũ - chủ một cơ sở sản xuất, chế tác, từng nhiều lần xuất hàng cho khách nước ngoài, cho biết: "Có những sản phẩm có giá cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, cho đến những sản phẩm như chuỗi hạt, tượng nghệ thuật nhỏ có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đều được người Trung Phước chế tác. Một mẩu của thân cây dó vài ba chục năm, đã tích nhựa trầm, trọng lượng khoảng 20g chỉ có giá trị khoảng 50.000 đồng, nhưng khi đã qua tay thợ chế tác tạo ra những bức tượng nghệ thuật, chuỗi hạt vòng đeo tay, đeo cổ thì sẽ tăng gấp 10-20 lần".
Là người từng đi tìm hiểu thị trường, ông Vũ bật mí, trầm cảnh, đồ mỹ nghệ bằng trầm, ngoài việc trang trí trong nhà, trang sức trên người cho đẹp, nó còn có tác dụng phòng chống những côn trùng độc, chữa nhiều bệnh cho người. Ông cho biết, ở Trung Quốc, Nhật và một số nước Châu Á quan niệm trầm có tác dụng để trừ tà. Người Nhật không đốt trầm hương mà khi mua sản phẩm trầm hương về, họ để trong tủ kính có bộ điều khiển nhiệt. Ngồi dùng trà, muốn thưởng thức hương trầm, người ta sẽ tăng nhiệt độ trong tủ kính, trầm sẽ tỏa hương ngào ngạt và hương trầm rất có lợi cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm trầm hương mạnh nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bây giờ khắp núi đồi của dải đất thượng nguồn sông Thu Bồn ở Nông Sơn đã có hàng nghìn héc-ta đất rừng trồng cây dó bầu, nhưng hiện làng nghề Trung Phước chưa thể có đủ lượng hàng lớn để cung ứng cho các thị trường này, đó là chưa nói đến sản phẩm có tính mỹ thuật cao mà khách hàng yêu cầu. Có thể doanh thu hằng năm của làng nghề trầm hương cảnh Trung Phước đạt hơn 10 tỷ đồng, nhưng phải nhìn nhận, đây vẫn là một làng nghề tự phát. Vì vậy, để làng nghề phát triển bền vững, năm 2010, H. Nông Sơn đã quy hoạch cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ với diện tích hơn 30ha, trong đó ưu tiên phát triển nghề trầm cảnh, đồng thời tiến hành làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm làng trầm cảnh.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND H. Nông Sơn tâm sự: "Chính quyền và các ban, ngành chức năng của huyện đã định hướng và quyết tâm sẽ quan tâm, chú trọng với nghề trầm cảnh, để nghề sản xuất, chế tác cây dó trầm hương không chỉ phát triển ở Trung Phước mà sẽ là ngành nghề mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng đất còn nhiều khó khăn nơi thượng nguồn sông Thu Bồn này".
Hồng Thanh