Chờ đợi, lo lắng và biểu tình ở Mỹ
Cuộc đua sát nút của hai ứng cử viên vào Nhà Trắng đang dần đến đích ở các bang chiến địa quan trọng. Vì tính chất kịch tính và gay cấn, không có ứng cử viên nào có thể tuyên bố một cách rõ ràng về một chiến thắng và cả hai phe Dân chủ - Cộng hòa đều cho biết họ “đang tiến gần” đến chiến thắng.
Những người ủng hộ ông Trump và Biden tụ tập trước Phòng Bầu cử Quận Clark, ở Las Vegas. Ảnh: AP |
Nước Mỹ dường như đang sống lại những ngày tháng 11 của 20 năm trước, khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000 giữa Phó Tổng thống Al Gore của đảng Dân chủ và đối thủ phe Cộng hòa, Thống đốc bang Texas George W. Bush trở thành màn cạnh tranh khốc liệt nhất giữa hai ứng viên tổng thống trong lịch sử tính đến thời điểm đó với rất nhiều tranh cãi, hoài nghi và cả kiện tụng pháp lý. Kịch bản này đang trên đường lặp lại. 3 ngày cuộc bầu cử chính thức (3-11, giờ Mỹ), người dân vẫn không biết ai là nhà lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo.
“Đếm mọi phiếu bầu” - “Bảo vệ lá phiếu”
Không tuyên bố chiến thắng, ông Biden chỉ nói rằng, ông tin kết quả sẽ cho thấy đảng Dân chủ thắng lợi. Ông Trump đã tuyên bố chiến thắng nhưng lại đang phải lách qua khe cửa hẹp hơn ông Biden. Một số bang chiến địa quan trọng dự kiến sẽ nhanh chóng kết thúc kiểm phiếu nhưng cuộc bầu cử có thể không được quyết định trong nhiều ngày tới. Thậm chí, cả Tổng thống Trump và ông Biden đều đưa ra những tuyên bố cho thấy dấu hiệu báo trước về nguy cơ nảy sinh những vấn đề phức tạp và căng thẳng dẫn tới một cuộc chiến pháp lý gay gắt giữa hai bên.
Cục diện hiện nay khiến cử tri Mỹ lo lắng và phẫn nộ. Khi các quan chức bầu cử ở một số bang chiến trường tiếp tục kiểm phiếu vào tối 5- 11 (sáng 6-11, giờ Việt Nam), các nhóm nhỏ những người ủng hộ ông Biden và Trump đã tổ chức biểu tình ở một số thành phố. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ hai ứng cử viên tại hàng loạt thành phố của Mỹ đã bước sang ngày thứ hai. Những người ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Đếm mọi phiếu bầu” với niềm tin rằng, một cuộc kiểm phiếu đầy đủ sẽ đem lại chiến thắng cho ứng viên này. Ngược lại, những người ủng hộ Tổng thống Trump lại bày tỏ phản đối khi kêu gọi “Bảo vệ lá phiếu” nhằm ủng hộ nỗ lực của ban vận động tái tranh cử của ông trong việc loại bỏ một số phiếu bầu, trong đó có cả những phiếu bầu qua đường bưu điện. Một số cuộc biểu tình đã dẫn tới đụng độ với cảnh sát, khiến bùng lên lo ngại rằng, sau khi có kết quả bầu cử, nhiều cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra và có nguy cơ biến thành bạo loạn.
An ninh đang được thắt chặt tuyệt đối. Nguồn tin từ tờ Washington Post cho biết, các mật vụ Mỹ đang được tăng cường ở Delaware để bảo vệ ông Biden khi ông chuẩn bị có “tuyên bố quan trọng”, có thể là mừng chiến thắng tại đây. Với sự tham gia của các mật vụ, việc bảo vệ ông Biden sẽ nghiêm ngặt hơn nhưng vẫn chưa bằng mức an ninh dành cho tổng thống đắc cử.
Theo truyền thống, người chiến thắng trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ sẽ lập tức được bảo vệ cẩn mật. Nhưng kết quả bị trì hoãn năm nay khiến kế hoạch an ninh của cơ quan mật vụ cũng phải chờ đợi.
Những người biểu tình tụ tập gần khu vực Nhà Trắng, đòi hỏi một kết quả công bằng. |
“Bóng ma” năm 2000
Ít nhất 6 bang, gồm 4 bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, Bắc Carolina, Arizona, cùng Nevada và Alaska chưa kiểm xong phiếu. Cả hai ứng viên bám đuổi hết sức sít sao, thậm chí gần như tương đương nhau tại cả 6 bang này. Các hãng truyền thông cũng đưa ra những số liệu không thống nhất về kết quả của các bang đã kiểm xong phiếu.
Trên thực tế, khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý giữa hai bên đã được dự báo, trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020 chứa đựng quá nhiều yếu tố bất ổn, phần lớn do tác động của đại dịch Covid-19 đối với cách thức, quy định bầu cử tại nhiều bang. Việc hơn 100 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện trước ngày bầu cử đã là một vấn đề lớn, gây áp lực đối với hệ thống bầu cử cũng như công tác kiểm phiếu. Cùng với đó, sự thay đổi quy định của một số bang, trong đó có các bang chiến địa, cho phép tính phiếu bầu qua đường bưu điện vài ngày sau bầu cử, càng gây khó khăn cho việc kiểm phiếu.
Và khi con đường tái đắc cử dường như bị thu hẹp, ông Trump đã đưa ra các cáo buộc về gian lận và các bất thường diễn ra ở các bang mà đối thủ đang dẫn đầu, hoặc ở bang mà vị trí dẫn đầu của ông đang bị thu hẹp cách biệt. Nhóm chiến dịch tái tranh cử của ông Trump còn lập đường dây nóng ở Arlington, bang Texas để nhận các cuộc gọi tố cáo gian lận bầu cử, khi ông Biden đang giành lợi thế. “Họ đang cố gắng đánh cắp một cuộc bầu cử, dàn dựng một cuộc bầu cử”, ông Trump nói từ phòng họp của Nhà Trắng. Ở Nevada, nơi ông Biden hiện đang dẫn trước, những người ủng hộ ông Trump cho đến nay vẫn kêu gọi tiếp tục kiểm phiếu - tin rằng các phiếu bầu tiếp theo sẽ được bầu cho ông Trump. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump, đã cam kết quyên góp 500.000 USD để giúp tài trợ cho các vụ kiện của chiến dịch Trump. Thậm chí, ông Trump cảnh báo sẽ viện đến Tòa án Tối cao và cho biết, nhóm chiến dịch của ông đang yêu cầu các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa giúp tài trợ cho các thách thức pháp lý.
Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ứng viên Biden bày tỏ tự tin về chiến thắng, cảnh báo sẽ ngăn chặn hành động của Tổng thống Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ. Họ cũng cho biết đang chuẩn bị cho các trận chiến tại tòa án. Người quản lý chiến dịch của Biden, Jen O’Malley Dillon, đã bắt đầu nỗ lực gây quỹ, gửi email đến những người ủng hộ. “Chúng tôi đang xây dựng nỗ lực pháp lý lớn nhất và toàn diện nhất từng được tập hợp”.
Cục diện năm nay cũng đang có chiều hướng tương tự cơn ác mộng của 20 năm trước. Trong cuộc bầu cử năm 2000, số phiếu ở bang Florida quá sít sao, và cục diện toàn quốc cũng quá sát nút đến mức ứng viên nào thắng ở bang này sẽ làm tổng thống, cuộc chiến pháp lý đã nảy sinh. Khi đó, phải mất một tháng để bang Florida kiểm phiếu lại, và phải qua phán quyết của tòa án trước khi ông George W. Bush được tuyên bố thắng tại bang này để đắc cử tổng thống.
Cho đến nay, cuộc bầu cử năm 2000 là lần duy nhất do Tòa án Tối cao quyết định, khi ông George W. Bush đánh bại ông Al Gore. Tòa đã ra phán quyết có lợi cho ông George W. Bush với kết quả 5-4. Ông Gore nhượng bộ và Tổng thống Bush vào Nhà Trắng. Lần này cũng vậy, đảng Dân chủ lo ngại rằng trong trường hợp phải viện đến Tòa án Tối cao thì việc ông Trump thật sự có lợi thế với 3 thẩm phán do ông bổ nhiệm.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn còn đó khiến nền kinh tế suy giảm mạnh, nước Mỹ lại đứng trước viễn cảnh bất ổn chính trị sâu sắc. Tương lai này không chỉ khiến nước Mỹ lao đao mà các nước trên thế giới cũng khốn đốn. Và cũng như nước Mỹ, cả thế giới hiện đang “nín thở” chờ đợi một kết quả tốt đẹp cho cuộc bầu cử lần này.
KHẢ ANH
Chi tiêu kỷ lục cho chiến dịch Các chiến dịch tranh cử ở Mỹ năm 2020 tiêu tốn khoảng 14 tỷ USD, một con số cao kỷ lục. Theo nguồn tin từ Trung tâm Phản ứng chính trị (CPR - một nhóm nghiên cứu phi đảng phái chuyên theo dõi chi tiêu cho chính trị ở Mỹ), các khoản chi tiêu “khủng” cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay tăng gần gấp đôi so với cuộc tổng tuyển cử năm 2016, và hơn gấp ba cuộc bầu cử năm 2000. Con số kỷ lục trên được cho là thể hiện các đảng ngày càng sẵn sàng chi lớn cho các cuộc chạy đua để chống lại đối thủ một cách cảm tính, dù cơ hội chiến thắng rất ít. Theo CPR, các thành viên đảng Dân chủ đã mất một số tiền đặt cược lớn trong năm nay và không thể có được làn sóng sắc xanh như mong đợi. Tại bang Nam Carolina, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã dễ dàng đánh bại đối thủ Dân chủ Jaime Harrison, người đã chi một khoản tiền kỷ lục 108 triệu USD quyên góp được từ những người theo đảng Dân chủ trên cả nước. Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy McGrath bang Kentucky cũng chịu cú đánh tương tự khi thua thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người giữ ghế thượng nghị sĩ từ năm 1985 mà phe Dân chủ rất muốn lật đổ. Chiến dịch của bà McGrath tiêu tốn 88 triệu USD, mức chi tiêu tốn kém thứ hai cho cuộc chạy đua vào Thượng viện trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi đó, phe Cộng hòa cũng mất một số khoản đầu tư không nhỏ: các nhà tài trợ trên cả nước đã quyên góp khoảng 10 triệu USD để ngăn cản ứng cử viên Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez của bang New York, nhưng bất thành. Các nhà phân tích cho rằng, chi tiêu cho tranh cử sẽ không sớm giảm bớt ở một đất nước đặt ra rất ít giới hạn cho việc tài trợ cho các cuộc bầu cử. Và nếu tình trạng phân cực vẫn tiếp diễn ở Mỹ, tiền chi cho vận động tranh cử có thể càng nhiều. T.N |