Chợ Hà Tân lao đao vì vỡ hụi
(Cadn.com.vn) - Gần 100 người dân nơi chợ nghèo Hà Tân (xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, Quảng Nam) méo mặt khi nghe tin bà Trương Thị Diệu (55 tuổi, trú thôn Hà Dục Tây, Đại Lãnh) ôm số tiền hụi lên đến 2 tỷ đồng đi khỏi địa phương.
Ngày 26-3, khi biết P.V đến tìm hiểu, hàng chục tiểu thương chợ Hà Tân bỏ bán tập trung lại để phản ánh chi tiết vụ vỡ hụi mà họ là nạn nhân. Theo họ, đa số người chơi hụi với bà Diệu đều buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Hà Tân. Tin tưởng là người quen, cùng buôn bán lâu năm nên hàng chục người góp vốn chơi hụi từ 4 năm nay.
Có 2 hình thức góp hụi cho bà Diệu: Có những gia đình đưa số tiền lên tới cả trăm triệu đồng để bà Diệu mượn, sau đó nhận được số lãi hàng tháng nhất định; còn hình thức góp hụi khác là hụi tuần, hụi tháng với số tiền tùy ý để bà Diệu “giữ giùm”, giống hình thức bỏ tiết kiệm, không có lãi, khi nào cần việc thì người đưa nhận. Cứ thế, số người chơi hụi ngày một tăng lên, vì những năm qua bà Diệu luôn giữ được “chữ tín” của mình.
Trong những người bị bà Diệu “quỵt nợ”, có những trường hợp rất đáng thương. Chị Bùi Thị Lệ (31 tuổi, thôn Tân An, xã Đại Lãnh) bị khuyết tật bẩm sinh. Hơn 2 năm nay, từ số tiền hỗ trợ hàng tháng là 360 nghìn đồng, chị Lệ trích ra 300 nghìn/tháng để bà Diệu “cất giùm”. Đến nay, số tiền dành dụm đã được hơn 7 triệu đồng thì bỗng dưng bà Diệu “biến mất”. “Tui là con đầu trong nhà có 5 người con. Dự định năm ni tui lấy số tiền trên từ cô Diệu để đi học nghề về phụ giúp gia đình. Nhưng không ngờ chuẩn bị lấy thì chủ hụi lại ôm tiền bỏ trốn”, chị Lệ lau nước mắt.
Tương tự trường hợp chị Lệ, cụ Nguyễn Thị Minh (70 tuổi, thôn Đại An, Đại Lãnh) cũng góp hụi được 16 triệu đồng. Với số tiền trên bà Minh tính sau này lấy để chi lo cho tuổi già. Hằng ngày, cứ mờ sáng bà Minh lọm khọm gói bánh ú đem đến chợ Hà Tân bán. Với số tiền bán bánh dành dụm được, mỗi tuần cụ góp hụi 50.000 đồng. “Được tin chủ hụi đã bỏ trốn khỏi địa phương, mấy hôm nay chúng tôi không thấy cụ Minh tới chợ bán bánh ú nữa. Chắc cụ buồn nhiều lắm”, một tiểu thương cho biết.
Các nạn nhân của bà Diệu trình bày sự việc với P.V. |
Đặc biệt hơn, chị Trần Thị Hương (42 tuổi, thôn Đại An) đang bị ung thư giai đoạn cuối cho biết: “Sau Tết, đến lượt tôi hốt hụi để đi chữa bệnh nhưng chị Diệu cứ hứa lần lữa, ai ngờ hôm nay chị ta đã bỏ trốn. Khi trước tui với chị Diệu thân lắm! Chị còn nói sẽ cho gia đình tôi mượn thêm tiền để đi chữa bệnh. Nhưng đến khi cần tiền thì chị bảo cứ đợi thêm ít ngày. Giờ tôi rất cần số tiền mình đã tích góp nhưng lại bị...”, chị Hương ngậm ngùi.
Việc chơi hụi như chị Lệ, cụ Minh thực ra là hình thức góp vốn quay vòng, không có lãi suất nhằm sau này người chơi có việc gì cần thì có thể rút lại, hoặc tương trợ nhau trong làm ăn, buôn bán. Nhiều người buôn bán tại chợ Hà Tân cho biết, cũng nhờ hình thức góp vốn này mà ngày càng có nhiều gia đình có thêm điều kiện làm ăn, sinh kế. Vì thế niềm tin đặt vào chủ hụi ngày một tăng, không ai mảy may nghi ngờ. Đến khi sự việc vở lở thì mới hay niềm tin đã đặt nhầm chỗ.
Theo biên bản thống kê, đến nay đã có 63 người là nạn nhân của bà Diệu. Người bị giật hụi nhiều nhất là 160 triệu đồng, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Ngày 26-3, trao đổi với P.V, Phó trưởng CAX Đại Lãnh Nguyễn Văn Kê cho biết: “Khi người dân kéo tới nhà bà Diệu để xiết đồ, chúng tôi đã đến ngăn cản và tạm giữ số đồ này đưa về Ủy ban xã, đồng thời hướng dẫn cho người dân viết đơn tố cáo.
Đến nay địa phương đã nhận được 17 đơn tố cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản khi chơi biêu, hụi. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền nguy cơ rủi ro về hình thức “tín dụng đen” này nhưng nhiều người dân bất chấp, vẫn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”. Hiện chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuyển giao vụ việc cho CAH Đại Lộc điều tra, xử lý”.
Người dân và chính quyền xã Đại Lãnh cũng cho biết, cuối năm 2013, bà Lê Thị Trẻ, nguyên Bí thư chi bộ thôn Tân An cũng đã ôm hụi với số tiền hơn 1 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương. Vì đa số nạn nhân là công chức nhà nước nên không ai dám đứng ra tố cáo.
Bão Bình