Báo Công An Đà Nẵng

Cho mùa xuân mãi an lành

Thứ bảy, 28/12/2013 08:35

(Cadn.com.vn) - Sáng cuối năm, trời Đà Nẵng lạnh căm căm, gió rít từng hồi, dưới chân quả đồi thuộc địa phận P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ những cán bộ, công nhân viên Quốc phòng của Đội xử lý bom mìn số 3 (Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường – Quân khu 5) vẫn hăng say làm việc. Bao quanh các anh là hàng chục lá cờ đuôi nheo đỏ in dòng chữ vàng cảnh báo “khu vực nguy hiểm” hoặc “rà phá bom mìn”. Những đôi mắt tập trung cao độ, gương mặt căng thẳng, mồ hôi chảy thành dòng, đôi tay trần tỉ mỉ bóc từng lớp đất, hàng trăm quả đạn lần lượt được vô hiệu.

Thiếu tá Mai Văn Lập, Trưởng Ban Tham mưu – Kế hoạch của Trung tâm cho biết: “Từ tháng 7-2011, đơn vị được Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ dò tìm, thu gom làm sạch bom mìn tại khu vực Kho K55 này. Đến nay đơn vị đã thu gom và tiêu hủy hơn 130 tấn bom, mìn các loại”. Trước đấy, khu vực này là kho vũ khí của Mỹ, nên bom đạn còn sót lại rất nhiều, nhất là các loại đạn M79, đạn pháo 127 Hải quân, đạn M72 chống tăng, đạn cối 81, đạn cối 60, mìn và lựu đạn. Bom đạn nhiều đến nỗi anh em chỉ cần bới đất lên là thấy, một người quay đi quay lại cũng nhặt được đầy chiếc thùng to đựng sơn toàn đạn là đạn. Chỉ cho chúng tôi những chiếc hố rộng 3x4m, sâu 2m đã đầy ắp các loại bom mìn được xếp riêng từng chủng loại, Trung úy Trần Văn Hà - Trưởng Ban Kỹ thuật an toàn chia sẻ: “Bom đạn tuy bị vùi lấp trong đất vài thập kỷ, nhưng sự nguy hiểm chẳng hề suy giảm. Với những loại tương đối an toàn như đạn pháo 127 Hải Quân trung bình một ngày chúng tôi đào được khoảng gần nửa tấn, còn những loại nguy hiểm cao như đạn M79, đạn casxet, mìn thì khoảng 2 – 3 tạ. Riêng đạn casxet chỉ cần lực nhỏ khoảng 0,5 kg đè lên là nổ ngay, nó có thể làm cụt tay cụt chân, mù mắt, thương vong... bất cứ lúc nào”.

Công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và bản lĩnh phi thường của những người lính.

Bom mìn sau khi thu gom phải phân loại và tập kết tại địa điểm quy định, có người canh phòng cẩn mật. Rà phá, thu gom bom đạn đã khó, vận chuyển chúng ra khỏi thành phố trên những chiếc xe chuyên dụng đến nơi tiêu hủy cũng khó khăn, nguy hiểm chẳng kém gì. Một cú phanh gấp, một viên đá nhỏ, một chiếc ổ gà trên đường nếu không kịp tránh cũng có thể gây hậu quả khôn lường cho nhân dân.

Thiếu úy CN Phan Văn Lãnh, Đội trưởng Đội xử lý bom mìn số 3 tâm sự: “Nếu chủ quan bất cẩn một giây có thể sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời của mình và đồng đội, nên chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Các thành viên Đội được lựa chọn từ những đồng chí có bề dày kinh nghiệm nhiều năm, cẩn thận, tỉ mỉ. Mọi công việc phải làm hoàn toàn bằng tay trần, vì khi tiếp xúc trực tiếp với bom mìn, cảm giác thật là điều rất quan trọng”.

Phân loại bom mìn trước khi  xử lý.

Thành quả sau hơn 2 năm lao động không biết mỏi là gần 1 ha mặt bằng đã được giải phóng. Với anh em ở Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường, ý nghĩa của câu “tấc đất tấc vàng” đúng hơn bao giờ hết, đất không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà có cả một phần xương máu của các anh kết tinh trong đó.

Do thường xuyên thi công ở những vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người, biên giới hải đảo nên nhiều CBCS vẫn “chưa có nổi một mảnh tình vắt vai”, song tinh thần lạc quan yêu đời vẫn luôn hiện diện trong từng ánh mắt, nụ cười của mỗi thành viên. Các anh đang từng ngày từng giờ “vô hiệu tử thần”, để mang lại mùa xuân và sự bình yên cho Tổ quốc yêu thương.

Nguyễn Việt Hùng