Báo Công An Đà Nẵng

Cho ngày 8-3

Thứ bảy, 04/03/2017 09:56

(Cadn.com.vn) - Tình cờ, tôi nghe được câu chuyện do một nông dân ở Quảng Nam kể về nỗi niềm cánh mày râu nơi anh ở mỗi khi 8-3 đến. Chuyện anh kể khiến tôi suy nghĩ mãi...

Anh cho biết, cứ đến đầu tháng 3, anh cảm thấy mình như chưa làm tròn trách nhiệm, vị thế của một người đàn ông. Vào những ngày này, anh cũng như  nhiều đàn ông trong làng chỉ muốn tắt tivi, không muốn nghe đài. Lý do bởi các phương tiện thông tin đại chúng nói về ngày này với tần suất khá dày đặc, khiến đàn ông cũng như phụ nữ nơi anh ở cảm thấy chạnh lòng, tủi thân... Anh cho rằng, việc tặng hoa, quà kèm những cử chỉ ga-lăng chỉ có thể có đối với cánh mày râu thành thị, của những người đàn ông thành đạt mà thôi. Và phần lớn phụ nữ diễm phúc được đón nhận quà cùng những cử chi ga-lăng ấy cũng chỉ là những người đang làm việc tại các công sở, doanh nghiệp... ở thành thị. Chứ ở nông thôn, vùng cao hay những người phụ nữ lao động tay chân ở thành thị lấy đâu ra được tặng hoa, quà khi chồng hoặc người yêu họ cũng đang vất vả với cuộc mưu sinh. Anh bộc bạch: "Không phải chúng tôi không biết cách thể hiện tình cảm với vợ, với người mình yêu. Nhưng ngoài thu nhập bằng mấy sào ruộng, hoa màu, chúng tôi đâu có thêm thu nhập nào khác. Mua hoa hoặc quà tặng vợ thì cũng phải tặng cho mẹ mình, mẹ vợ. Nếu nhà có con gái thì cũng phải tặng cho con nữa chứ. Lấy đâu ra tiền để làm việc đó? Thế nên, những ngày đầu tháng 3, cánh đàn ông chúng tôi chỉ muốn tắt tivi, không muốn nghe đài cho đỡ vương vấn, tủi thân...". Anh bày tỏ quan điểm, nếu các phương tiện thông tin đại chúng có tuyên truyền ngày này cũng nên hạ bớt tần suất, để cánh mày râu nông thôn cũng như những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng cao và những người phụ nữ lao động tay chân ở thành thị cảm thấy đỡ tủi thân...

Từ lời tâm sự của anh, tôi chợt nhớ đến những lần lên vùng cao, vùng sâu công tác, nghe những cô giáo gieo chữ nơi đây kể về việc được chồng hoặc đồng nghiệp nam, học sinh tặng cho những bó hoa rừng dại vào ngày 8-3, 20-10. Chỉ có vậy thôi mà các cô đã cảm thấy ấm lòng!... Thực tế, rất ít người phụ nữ nông thôn, vùng cao, miền núi được tặng hoa, quà trong những ngày này. Họ cũng quen với điều đó, xem 8-3 hay 20-10 cũng như mọi ngày khác trong năm, không có gì đặc biệt...

Và thật ra, không phải tất cả phụ nữ làm việc trong các công sở, doanh nghiệp ở thành thị cũng đều được tặng hoa, quà trong những ngày này. Họ cũng chẳng lấy đó làm buồn, là cái cớ để trách giận những người đàn ông của mình. Bởi lẽ, hoa và quà không phải là thước đo chuẩn xác của tình cảm. Nó chỉ là một trong vô vàn cách để thể hiện, biểu cảm sự quan tâm của đấng mày râu trong những ngày lễ dành riêng cho phái nữ. Khi đời sống kinh tế xã hội ngày một phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu tặng hoa, quà cho nhau, đặc biệt là dịp lễ, ngày tượng trưng cho tình yêu, ngày  phụ nữ... vì thế mà cũng nhiều hơn, nhằm góp phần làm phong phú cho đời sống tinh thần của con người.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những cách thể hiện tình cảm rất ý nghĩa trong ngày 8-3, xã hội hiện nay cũng có không ít mặt trái của "phú quý sinh lễ nghĩa" với việc hoa- quà mang tính phô trương, phong trào và hình thức... Đấy là điều không nên! Nhưng đấy không phải là số đông!...

Người viết trộm nghĩ, hoa hay quà chưa thể nói lên được điều gì nếu như trong cuộc sống hàng ngày, bạn chưa bao giờ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và thương yêu với nửa kia của mình. Thế nên, không việc gì phải cảm thấy chạnh lòng khi không thể làm được như cánh đàn ông thị thành, như những người đàn ông thành đạt đối với một nửa kia của họ. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm và sự quan tâm, đâu cứ nhất thiết phải tặng hoa, hay quà vào những ngày này. Hãy thể hiện tình cảm theo cách riêng của bạn. Chỉ cần điều đó xuất phát từ sự chân thành là đủ!

Khánh Yên