Báo Công An Đà Nẵng

Chờ phố du lịch phong cách Đà Nẵng

Thứ bảy, 02/03/2019 12:35

Sinh sau đẻ muộn so với các "phố Tây" Tạ Hiện của Hà Nội hay Bùi Viện của TP Hồ Chí Minh nhưng Khu phố du lịch An Thượng của Đà Nẵng lại có rất nhiều lợi thế khác biệt để tạo ra một sản phẩm độc đáo cho du khách. Không chỉ kéo du khách đến đông hơn, giữ họ ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn mà đây cũng là đề án tiêu biểu cho hoạt động xã hội hóa du lịch dựa vào cộng đồng.

Phía trước phố du lịch An Thượng là bãi biển thu hút nhiều khách quốc tế.

Biến lợi thế thành phong cách riêng

Khu phố du lịch An Thượng nằm trên địa bàn P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn. Giới hạn không gian của khu phố bao gồm phía Bắc là đường Hoàng Kế Viêm, phía Nam là đường Ngô Thì Sỹ, phía Tây là đường Châu Thị Vĩnh Tế và phía Đông là bãi biển đường Võ Nguyên Giáp.Trong đề án Khu phố du lịch An Thượng, UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá: hạn chế lớn nhất trong phát triển du lịch của Đà Nẵng hiện nay là lượng khách đến ngày càng nhiều nhưng chưa có sản phẩm du lịch thật sự đặc trưng hướng tới thị trường khách quốc tế. Trong đó, "đói" nhất vẫn là chợ đêm và phố đi bộ. Lợi thế nổi bật đầu tiên của khu vực An Thượng chính là giáp bãi biển đẹp, nhiều khách sạn, resort, là nơi tự nhiên đã thu hút rất nhiều khách Tây lưu trú, nghỉ ngơi, giải trí, các dịch vụ cũng vì thế mà phát triển. Lợi thế tiếp theo được đánh giá là khác biệt so với các "phố Tây" Tạ Hiện và Bùi Viện là khoảng không gian quy hoạch cho giai đoạn 1 của đề án còn rất mới, mật độ xây dựng và cư trú còn ít nên sẽ thuận lợi trong đầu tư hạ tầng, tạo các phân khu theo nhu cầu của du khách. "An Thượng được lựa chọn là khu phố du lịch sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc quy hoạch ban đầu. Điều này khắc phục được những hạn chế mà các địa phương khác đang gặp phải là phát triển tự phát, công tác quản lý gặp khó khăn", đề án đánh giá.

Theo thống kê của ngành chức năng, vào thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày khu vực An Thượng có gần 2.000 khách lưu trú, ngày thấp điểm là khoảng 1.000 người, phần lớn là khách quốc tế. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú cho rằng, thời gian lưu trú, mức chi tiêu, sử dụng dịch vụ của du khách đến đây ngày càng tăng khiến An Thượng ngày càng sôi động, kể cả về đêm. Theo đề án của UBND thành phố Đà Nẵng, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết du khách cho rằng họ mong muốn trong khu phố có thêm nhiều điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, làm đẹp, thể thao về đêm. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, quỹ thời gian trong lịch trình vui chơi của họ còn trống, chưa có hoạt động mang tính liên hoàn. Chính vì vậy, phố du lịch chính là sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách đến Đà Nẵng thông qua việc  huy động  cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực và phát triển kinh tế địa phương. 

Một góc phố du lịch An Thượng.

Cần hài hòa với lợi ích cộng đồng

Theo đánh giá của Sở Du lịch, Viện Quy hoạch xây dựng, với nhiều đặc  điểm, lợi thế tương đồng, Khu phố du lịch An Thượng có thể học hỏi mô hình không gian mở của trung tâm du lịch, giải trí, thương mại South Bank tại thủ đô London của Anh quốc. Không gian mở sẽ tạo cho du khách trải nghiệm quan sát và được quan sát, tạo nên bầu không khí đông đúc, sôi động và đầy sức sống. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng trong sự thành công của không gian công cộng. Trong quá trình xây dựng, một trong những ưu tiên cần thiết là tăng cường khả năng tiếp cận của khu vực bằng cách cải thiện hệ thống giao thông tĩnh và động. Với tầm nhìn dài hạn, trong tương lai Đà Nẵng phải giải quyết được những vấn đề về lưu thông an toàn, tránh tắc nghẽn với lưu lượng phương tiện ngày một tăng như hiện nay. Cạnh đó, việc bảo tồn, mở rộng không gian cũng phải được lưu ý với nhiệm vụ phát triển bền vững, tránh quá tải và vỡ trận.

Dù có nhiều lợi thế, nhưng để hiện thực hóa giai đoạn 1 của đề án Khu phố du lịch An Thượng trong năm 2019, chính quyền địa phương, ngành chức năng và cộng đồng dân cư trong khu vực vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài 30 tỷ đồng từ ngân sách, hoạt động xã hội hóa để thực hiện ý tưởng này đang cần 25 tỷ đồng ban đầu để giải quyết các vấn đề về đường sá, vỉa hè, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, hệ thống điện... Theo Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đình Vĩnh, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức buộc địa phương phải vừa làm vừa nghiên cứu, đảm bảo tạo sự khác biệt cho một sản phẩm du lịch đồng thời giải quyết hài hòa với cộng đồng trong khu vực. "Với đề án này, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều có lợi. Giá trị mà nó mang lại không chỉ cho ngành du lịch mà quan trọng hơn là đưa cộng đồng vào tham gia hoạt động này. Cũng vì thế mà phải cẩn trọng, phải tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải tạo ra cú sốc, gây xung đột với cuộc sống hiện tại của cộng đồng dân cư", ông Vĩnh đánh giá. Cũng chính vì điều này, việc phổ biến thông tin và lấy ý kiến người dân đã được các cơ quan xem là nhiệm vụ hàng đầu để tạo sự đồng thuận và đưa chính các hộ dân trong khu vực tham gia vào quá trình kiến thiết, khai thác và hưởng lợi từ phố du lịch. "Phần lớn nhân dân hưởng ứng và cam kết đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng. Bản thân họ cũng nhận thức khu phố du lịch sẽ nâng giá trị những dịch vụ mà họ đang có. Sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và cộng đồng dân cư là yếu tố hàng đầu để đề án thành công".

Theo ông Lê Tự Gia Thanh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP  Đà Nẵng, trong giai đoạn 1 của đề án sẽ thực hiện hạ ngầm hệ thống điện sinh hoạt và chiếu sáng, cải tạo và thay thế hệ thống thu gom nước mặt ngăn mùi đồng thời thay thế các trụ đèn kết hợp sạc pin điện thoại có hình thức thẩm mỹ. Cạnh đó sẽ lắp đặt  hệ thống camera an ninh, phủ sóng wifi trên toàn bộ khu phố đồng thời bố trí thùng rác, ghế ngồi và các tiện nghi công cộng theo hướng thuận lợi nhất cho khách. Thay thế cho các mái hiên hiện tại, các  hộ dân sẽ đầu tư mái hiên bằng kính vươn ra 1,5m làm lối đi khi trời mưa nhằm tạo sự  đồng bộ trên các tuyến phố. Dọc vỉa hè tại một số khu đất công cộng trên đường Ngô Thì Sỹ sẽ được mở các vịnh đậu xe ô-tô rộng 2m để tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông, giúp việc đón trả khách du lịch dễ dàng. Giao thông cũng là vấn đề khá phức tạp với sự xen lẫn của nhiều loại hình mà hiện nay chưa có sự phối hợp với hệ  thống giao thông tĩnh. Vào mùa du lịch, lượng khách đổ về đây rất đông. Các loại xe cỡ lớn lưu thông, đậu đỗ chiếm hết phần diện tích đường. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới giao thông của khách du lịch và người dân. Cạnh đó, phố du lịch hoạt động về đêm sẽ gây tiếng ồn đòi hỏi ngành chức năng phải có những quy định cụ thể để kiểm soát. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, trong nhiệm vụ của mình, Sở cũng tham vấn ý kiến của ngành Văn hóa, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường để có những phương án tối ưu nhất khắc phục các hạn chế, không tạo xung đột về mặt môi trường, giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. "Phải hài hòa giữa chủ trương của chính quyền và thực tế ở  khu dân cư. Bản thân người dân cũng sẽ hưởng lợi thông qua sự  hưởng ứng, đóng góp của mình. Đến hiện tại, qua công tác lấy ý kiến thì đa số người dân đều đồng tình. Thành công của khu phố du lịch sẽ tạo ra sản phẩm độc đáo về du lịch cộng đồng của Đà Nẵng", ông Bình đánh giá.

CÔNG KHANH