Báo Công An Đà Nẵng

Chợ TẾT qua thơ xuân

Thứ tư, 17/02/2021 15:00

Anh thấy xuân đã về bên em

Khi sáng sớm nụ cười rạng rỡ

Em nhẹ nhàng xách làn đi chợ

Và mang về hương sắc mùa xuân.

(Thơ Phan Hoàng)

Tái hiện chợ Tết quê.

Mùa xuân đi chợ Tết, vốn là nếp sinh hoạt thường kỳ của người dân đất Việt. Chợ Tết là bức tranh thu nhỏ của đời sống nông thôn, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà có lẽ không có vùng miền nào ở nước ta không có. Từ lâu, chợ Tết đã xuất hiện trong nhiều trang thơ, mỗi thi nhân bằng những rung ngân của lòng mình, dưới những góc nhìn khác nhau đã tái hiện không gian sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc ấy. Đặc biệt ở vùng nông thôn xưa, đi chợ Tết đã trở thành một thú vui, một niềm háo hức của các chị, các cô. Trong những câu ca hò vè, ca dao thuở trước, ta vẫn nghe một giai điệu mộc mạc vút bay lên như nỗi phấn chấn của cô gái quê khi đến chợ: “Mùa xuân em đi chợ hạ/ Mua cá thu về, chợ hãy còn đông”. Nét duyên dáng của câu ca là sự xuất hiện bốn mùa trong năm gói gọn chỉ trong 14 chữ, nhưng đằng sau câu từ ấy, người bình dân đã gợi cả không khí đông vui, rộn ràng của một nếp quê không dễ xóa nhòa.

Đến với những vần thơ viết về chợ Tết thời trung đại, ta như được sống trong không gian và thời gian thuở ấy cùng Nguyễn Khuyến. Phiên chợ ngày sắp Tết, họp ngoài cánh đồng trong cái se lạnh, mưa bụi của một vùng quê “đồng chiêm nước trũng” thật xơ xác, tiêu điều: “Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng/ Năm nay chợ họp có đông không.../ Hàng quán người về nghe xáo xác/Nợ nần năm hết hỏi lung tung” (Chợ Đồng). Chợ Tết không còn nét nhộn nhịp của một không gian no ấm mà vắng lặng, đìu hiu bởi cái đói đang tràn về, bởi sưu cao thuế nặng của nền đô hộ thực dân Pháp. Thi ảnh giàu chất hiện thực cùng sự xuất hiện của hai từ láy “xáo xác, lung tung” khắc họa rõ nét bức tranh của chợ quê nghèo nàn, xác xơ, như tiếng thở dài não nuột của người thơ trước cảnh đời trái ngược trong những ngày cuối năm, giáp Tết.

Bước sang những năm 40 của thế kỷ XX, phong trào Thơ mới (1932-1945) đã tìm được cảm hứng màu mỡ khi viết về mùa xuân. Hàng loạt những bài thơ hay viết về đề tài này của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên... Và nét sinh hoạt đậm đà bản sắc Việt qua không khí chợ Tết hiện lên qua ngòi bút tài hoa của Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ. Đọc “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ, tâm hồn ta xao động bởi bức tranh rộn rã âm thanh, sinh động những sắc màu: “Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”.  Một không gian họp chợ náo nhiệt với sự có mặt của đầy đủ mọi lứa tuổi: “Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân...”. Đọc những vần thơ ấy, ta bồi hồi nhớ lại Vũ Đình Liên đã tìm lại bóng hình xưa đã mất qua thi phẩm “Ông đồ”... 

Nét điểm xuyết cho bức họa chợ Tết là sự xuất hiện của những cô thôn nữ; nếu ở thơ Hàn Mặc Tử nhân vật ấy xuất hiện với “nét cười đen nhánh sau tay áo”, ở Đoàn Văn Cừ với “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” thì trong trang viết của nữ sĩ Anh Thơ, các cô nàng hiện lên điệu đàng trong quần lĩnh, nón quai thao. Đi chợ Tết là dịp để thôn nữ làm duyên, là cơ hội để gặp gỡ, bắc cầu cho những mối lương duyên: “Trên những giải lưng điều bay phấp phới/ Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao... (Chợ ngày xuân).

Đi chợ Tết.

Trong thơ Nguyễn Bính, mùa xuân là cả một mùa xanh và được “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh” (Mùa xuân xanh) khơi mở cái dâng trào của sức sống cây cỏ, đất trời cùng nỗi niềm rạo rực trong tình yêu của đôi lứa xuân xanh; còn ở Anh Thơ là “giải lưng điều” quấn quýt bao nét nhìn về các cô nàng “lơ lẳng” đang chen nhau xem bói tình duyên. Có thể nói, các nhà Thơ mới, mỗi người mỗi vẻ khi thể hiện thi ảnh chợ Tết nhưng đều gặp gỡ ở cái nhìn trẻ trung, tươi mới, căng tràn, dạt dào sức xuân cùng sự giao cảm, giao hòa giữa thiên nhiên và con người.

Thơ đương đại dành nhiều trang viết cho cảnh chợ Tết. Trong kho thi liệu ấy, ta ấn tượng hơn cả với những vần thơ viết về những phiên chợ ở vùng cao Tây Bắc, chợ nổi Cái Răng, chợ làng chài, chợ Viềng (Nam Định)... Không phải ngẫu nhiên, nói về cái hồn của chợ Tết nơi biên ải, các nhà thơ thường hay hướng đến hình ảnh cô thôn nữ, bởi họ là nhân vật trữ tình, là đối tượng thu hút cái nhìn, là nét gợi mở của cảm hứng sáng tạo: “Chợ Tết gặp phiên đông thật đông/ Đào phai chúm chím khóe môi hồng/ Dăm ba thôn nữ về qua ngõ/ Cười vỡ khoảng trời ngọc bích trong” (Xuân về- Chu Minh Khôi). Tiếng cười trong veo của cô gái ở ý thơ như rủ rê, lôi cuốn người người đến với sức xuân, ý xuân đang dạt dào, tươi trẻ quanh đây.

Những ngày giáp Tết, tôi hay tìm về với những ngôi chợ thôn quê bởi ở đó là cả những khoảng trời thơ ấu; nơi ngày xưa mẹ tôi gánh gồng, tất tả bán bưng từng rổ dưa, bó rau lo sắm Tết cho cả đàn con thơ dại. Trong nỗi bổi hổi ấy, những vần thơ trong “Chợ quê” của nhà thơ xứ Quảng Nguyễn Ngọc Hạnh như gợi lên trong tôi biết bao đồng điệu: “Làng ba mươi Tết chợ đông/ Bày bao phận đời khốn khó/ Mấy ai từ làng ra phố/ Mà quên buổi chợ quê nghèo”. Những vần thơ giản dị không gợi lên cái xôn xao, náo nức của cảnh chợ Tết mà đánh động cái lao xao của lòng người, như nốt trầm, khiến lòng người lắng lại để suy tư về quy luật nhân thế, về gia đình thiêng liêng trong ký ức mỗi người.

Viết về dư vị mùa xuân qua chợ Tết, mỗi thi sĩ có một góc nhìn, một cảm quan riêng. Song, qua không gian văn hóa chợ quê trong những ngày cuối năm, họ muốn phục dựng nét bản sắc Việt có thể bị mai một, gửi gắm tình yêu và niềm gắn bó máu thịt với những ký ức đẹp ở một thời đã xa. Tết thời hiện đại, chúng ta có thể sắm sửa nhiều vật dụng ở các siêu thị từ lớn đến nhỏ, song không ai không đến chợ, bởi có đến đây mới thấy không khí xuân đang về. Bức tranh chợ Tết qua một số tác phẩm thơ ca phần nào đã để lại dấu ấn không phai trong trái tim của mỗi con người Việt Nam, nhất là những người con xa Tổ quốc bởi đây là “mảnh hồn làng”, hồn quê.

NGUYỄN THỊ THU THỦY