Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
(Cadn.com.vn) - Ngày cuối cùng phiên họp của Ủy ban QP&AN của Quốc hội diễn ra tại TPHCM trong hai ngày 4 và 5-9, các đại biểu cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Đây là buổi thẩm tra chính thức của Ủy ban đối với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo của Nghị quyết này.
Việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một vấn đề mới đối với Việt Nam, do đó vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết. Theo dự thảo Nghị quyết, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là các hoạt động hỗ trợ thực hiện hiệp định hòa bình, giám sát đình chiến, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hỗ trợ bầu cử, cứu hộ nhân đạo, hỗ trợ khôi phục tái thiết và phát triển sau xung đột do Liên hợp quốc tổ chức...
Theo các đại biểu, việc xây dựng Nghị quyết về vấn đề này là cần thiết, đây là cơ hội để chúng ta chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tán thành với những ý kiến của các đại biểu và thống nhất với tên gọi dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Đây là vấn đề khá mới, do đó chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết có 6 chương với 13 điều là quá nhiều, cần chỉnh sửa để ngắn gọn hơn. Ban soạn thảo cần làm rõ những vấn đề về cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ, thẩm quyền quyết định và quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện.
Sau 2 ngày làm việc, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra về 3 vấn đề gồm: Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Dự thảo Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Vũ Tiến Lực