Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC:

Chốn an cư đáng mơ ước

Thứ sáu, 29/04/2016 08:17

(Cadn.com.vn) - 1. Tôi ở phường Tân Định, nhưng vài ba tháng ra khu Bạch Đằng - chợ Bến Thành đã thấy đổi khác: Đường Nguyễn Huệ- con đường đẹp nhất quận 1 đã trở thành quảng trường - phố đi bộ dài 900m, rộng 60 m được kết nối với nhà ga Metro, Nhà hát thành phố và quảng trường khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bên kia sông Sài Gòn trong tương lai gần. Chỉ nửa năm mới qua quận 7, quận 8 là bị lạc đường bởi nhiều công trình mới xuất hiện. Chỉ năm bảy tháng mới đến quận 12, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn là không tìm ra nhà người quen bởi ruộng đồng đã lên phố xá...

Trên bến Bạch Đằng, TP Hồ Chí Minh.

Sau 20 năm ở trong một biệt thự tại  quận 3 với ba hộ khác do Nhà nước bố trí cho cán bộ từ chiến khu về, gia đình tôi được “ra riêng”, qua quận 1, nhưng ngay bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đặc quánh rác thải. Những tưởng phải sống chung với mùi hôi bao phủ ngày đêm, đến mức “thành quen”, nhưng chỉ vài tháng sau, thành phố bắt đầu chương trình tái sinh dòng kênh từng là dòng kênh xanh trước những năm 1960. Con kênh chỉ dài 8,7 km (khi chưa bị dân tứ xứ lấn chiếm, nó dài trên 10 km), phải mất 5 năm mới xong khâu giải tỏa, kè đá, nạo vét tạm thời. Rồi vài năm sau, nó lại bị “xáo ra làm lại”, với số vốn đầu tư gần 290 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ để được như ngày nay, dù còn lâu chất lượng nước mới được như những năm 1960 về trước. Bốn năm qua, hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy cặp hai bên dòng kênh đã thông xe từ quận Tân Bình đến cầu Thị Nghè (bên hông Thảo Cầm Viên) tạo ra không gian thông thoáng cho lưu vực 33 km2 với 1,2 triệu dân.

Với diện tích 2.095 km2, lớn gấp 30 lần so với Sài Gòn - Gia Định trước năm 1975 (67,5 km2), trong đó riêng diện tích khu đô thị là gần 1.000 km2, lớn gấp 12 lần so với trước năm 1975 với dân số đã hơn 8,5 triệu người để thấy rằng vài nét “bề nổi” mà tôi vừa điểm qua không là gì đối với một thành phố năng động nhất nước.

2. Bạn văn từ Đà Nẵng điện vào hỏi nhân kỷ niệm 41 năm ngày giang sơn thu về một mối, có bài báo nào viết về TP Hồ Chí Minh, tôi thật khó trả lời. Viết về một thành phố có dân số cao nhất nước, diện tích chỉ sau Hà Nội mà chỉ gói gọn trong khuôn khổ một bài báo thì quả là khó! Thế nên sau vài nét “bề nổi” như trên, tôi chỉ điểm thêm vài “vỉa chìm” của một thành phố luôn cùng cả nước, vì cả nước mà phấn đấu trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đảng bộ TP Hồ Chí Minh phải “xé rào” trong những năm cuối 1970 và nửa đầu thập niên 1980 để lo đủ gạo, đủ vải cho dân, sau nữa là từ thực tế sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện để thuyết phục Trung ương và cùng Trung ương chuyển dần từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không thể phủ nhận TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng suốt từ năm 1986 đến nay, như đi đầu về việc bỏ “ngăn sông cấm chợ”, đi đầu về đổi nông sản lấy Mỹ kim nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đi đầu trong việc xã hội hóa giáo dục, y tế (cho tư nhân mở trường đại học, bệnh viện). Đi đầu trong xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất. Đi đầu trong việc đô thị hóa, nhất là chủ trương đổi đất lấy hạ tầng (cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng - hiện nay trở thành khu đô thị hiện đại nhất nước). Đi đầu phục hồi hệ sinh thái do chiến tranh hủy diệt với việc trồng lại rừng sác Cần Giờ 40.000 ha, đã được Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và công tác xã hội - từ thiện.

3. Không thể kể hết những gì mà TP Hồ Chí Minh làm được trong 41 năm qua, nhưng là một công dân “nhập cư” ngay trong ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, tôi cũng như bao người khác không thể không lo lắng về chất lượng sống, đặc biệt là ô nhiễm khí thải do mật độ xe cộ dày đặc, nhất là xe hai bánh gắn máy trong khi nội thành không còn đất nới đường, và nạn ngập nước vào mùa mưa. Dù phố thị đã mở rộng ra hướng đông và bắc - tây bắc nhưng do dân số tăng đến hơn 3,5%/năm, trong đó tăng dân số cơ học chiếm tỷ lệ đáng kể, làm cho cơ sở hạ tầng không thể phát triển tương ứng nên quá tải điện, cấp thoát nước, hệ thống giao thông và ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Theo Ngân hàng Thế giới, dân số TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 sẽ hơn 10 triệu người, thì áp lực cơ sở hạ tầng càng tăng cao.

Thấy được thực trạng ấy, mục tiêu tổng quát mà đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện mục tiêu ấy với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm từ 8 - 8,5%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm; đến cuối năm 2020, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân; đến cuối năm 2020, xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%; phấn đấu đưa thành phố vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền, TP Hồ Chí Minh phải thực hiện ngay 7 chương trình đột phá: 1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 2. Cải cách hành chính. 3. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 4. Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. 5. Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 6. Giảm ô nhiễm môi trường. 7. Chỉnh trang và phát triển đô thị.

Cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh có tính thực tế cao, sẵn sàng khơi thông các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vì thế mà tôi tin 9 năm nữa, tức tròn 50 năm ngày 30 tháng Tư, nếu bạn văn của tôi ở Đà Nẵng hỏi sẽ viết gì về nơi cư ngụ, tôi sẽ kể bạn nghe vì sao TP Hồ Chí Minh là thành phố xứng đáng là nơi an cư lạc nghiệp đáng mơ ước...

Phương Hà