Báo Công An Đà Nẵng

Chọn nghề, hãy để học sinh quyết định!

Thứ tư, 02/03/2016 09:48

(Cadn.com.vn) - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đang đến gần. Đây là thời điểm phụ huynh (PH), học sinh (HS) cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chọn trường, chọn nghề phù hợp, tránh sự lãng phí.

1. Nhìn lại mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có thể thấy không ít PH, HS có tâm lý chọn trường, chọn nghề theo phong trào, nỗ lực làm tất cả chỉ để... đậu ĐH. Cứ điểm cao là nộp trường “top”, chọn ngành “thời thượng”, thành ra mới có chuyện 27-28 điểm vẫn rớt ĐH. Rồi việc nộp - rút, rút - nộp loạn cả lên cho thấy mục đích quan trọng là để đậu ĐH mà không hề quan tâm đến trường đó, nghề đó có phù hợp với năng lực, sở thích của HS hay không. Một bộ phận PH, HS có tâm lý,hết lớp 12 mà rớt đại học phải đi học nghề là một sự hổ thẹn, do đó phải đậu đại học bằng mọi giá!

Một số khác thì HS chọn trường, chọn nghề theo... ba mẹ, theo sự áp đặt của người lớn, vì người lớn thích và thấy nghề đó hái ra tiền, thậm chí có trường hợp chọn nghề vì... truyền thống của gia đình. Một số PH “định hướng” cho con chọn nghề mà ba mẹ sẽ xin được việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, một bộ phận HS chọn trường, chọn nghề theo phong trào vì thấy đó đang là nghề hái ra tiền. Ngoài ra cũng có một bộ phận chọn nghề theo kiểu... may nhờ rủi chịu vì không biết mình thích ngành nghề gì, 3 năm học cấp 3 mà không quan tâm, lo lắng gì đến tương lai.

Những tồn tại nói trên đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, nháo nhào qua việc nộp - rút, gây nên sự lãng phí vì tâm lý đậu ĐH bằng mọi giá... Thực tế đó đòi hỏi PH, HS cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích HS, phù hợp với tiềm lực kinh tế gia đình, và có tính đến nhu cầu nhân lực của địa phương, của nghề đó trong tương lai.

2. Trong những năm qua, báo chí, truyền thông và các trường phổ thông, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ đã có nhiều nỗ lực trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn trường, chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên, thông tin các trường ĐH, CĐ đưa ra phần lớn là để giới thiệu, quảng cáo về trường mình có đào tạo những ngành này, nghề kia, và tung ra một số “chiêu” để hút thí sinh thi vào. Không ít PH, HS quyết định thi vào vì sự hào nhoáng từ lời giới thiệu của trường mà chưa tính đến yếu tố có phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm... Do đó, HS nên coi những thông tin mà các trường ĐH, CĐ đưa ra, lời khuyên của thầy cô, cha mẹ chỉ mang tính chất định hướng, tham khảo, còn quyết định cuối cùng vẫn phải là HS, vì chỉ HS mới biết mình, hiểu mình thích gì, phù hợp với ngành, nghề gì.

TS Giang Thị Kim Liên, Phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng bày tỏ, muốn chọn đúng ngành nghề theo khả năng, đúng sở thích thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ theo đuổi mãi sau này; phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự trả lời: mình có năng khiếu gì đặc biệt, có năng lực gì nổi trội? Nếu vào học ngành đó mình sẽ gặp thuận lợi gì, khó khăn gì?

Đây là thời điểm mà cha mẹ nên tham gia việc định hướng cho con chọn trường, chọn ngành, chọn nghề dựa trên năng lực bản thân của các em. Nó gồm hai yếu tố chính: năng lực học ở phổ thông và năng khiếu nổi trội của con em mình. Không nên tách rời hai yếu tố này.

Nếu có điều kiện, PH nên cùng con tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh do các trường ĐH, cơ quan báo chí tổ chức, để tư vấn con em chọn nghề có tính đến nhu cầu xã hội kết hợp với nguyện vọng, xu hướng của con. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng người lớn không được áp đặt con trong việc chọn trường, bởi thực tế cho thấy nhiều bậc PH đã định hướng cho con phải học ngành này, không học ngành kia, mặc dù không nắm được sở thích, trình độ của con.

Phạm Được