Báo Công An Đà Nẵng

"Chòng chành" nghề chiếu Bàn Thạch

Thứ hai, 13/07/2020 17:33

Ai về Duy Xuyên, đi chợ phiên Bàn Thạch thì đều ấn tượng với những sắc màu của chiếu cói tại nơi đây. Nhắc đến chiếu làng Bàn Thạch là nhớ đến hình ảnh khung dệt chiếu, tiếng thoi đưa róc rách và những cây cói với đủ màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng hòa cùng màu đất trời của xứ Quảng... Nhưng giờ đây những hình ảnh đó đang dần dần"biến mất" vì sự mai một của một làng nghề qua thời gian.

Hình ảnh thoi đưa đang dần "biến mất" vì sự mai một của làng nghề Bàn Thạch.

Một thời vang bóng

Nằm cách thị trấn Nam Phước về hướng Đông 5 cây số, làng chiếu Bàn Thạch thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm trên ốc đảo nhỏ bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, hằng ngày bằng những nguyên liệu như: sợi lác, dây bố và khung dệt... những phụ nữ ở đây đã dệt nên những đôi chiếu bền, đẹp và tạo nên thương hiệu chiếu Bàn Thạch vang bóng một thời.

Nhiều bô lão kể lại rằng, có khoảng thời gian chiếu cói Bàn Thạch còn là cống phẩm quý giá cho triều đình và quan lại hay quý tộc thời xưa vì chất lượng quá tuyệt vời. Trước kia, vào thập niên 80, tại các nước Đông Âu và Liên Xô, chiếu Bàn Thạch đã xuất hiện ở đó, hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới đã biết đến chiếu Bàn Thạch, tại những lễ hội lớn như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay hội Bà Thu Bồn được tổ chức hàng năm cũng có mặt của chiếu Bàn Thạch ở các gian hàng trưng bày. Bà Huỳnh Thị Xuyến (64 tuổi) nghệ nhân có thâm niên hơn 50 năm dệt chiếu cho biết: "Chiếu ở đây bền đẹp và chất lượng lắm vì chiếu được dệt từ những sợi lát được trồng trên vùng đất bồi bên sông, nên dẻo lắm đó... chiếu của làng một thời là sản phẩm được ưa chuộng nhất đất Quảng Nam này đó".

Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp... Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề bên khung dệt, cọng lát với đủ màu sắc... cùng với đôi tay khéo léo của những người thợ nhuộm màu lát, in hoa văn, vành, viền... Nghề dệt chiếu Bàn Thạch tuy "trứ danh" một thời là vậy, nhưng giờ đây những tiếng thoi đưa róc rách bên khung cửi, những bóng dáng phơi lát đầy màu sắc trước sân nhà, tiếng rao thân thuộc "chiếu đây... chiếu Bàn Thạch siêu bền đẹp đây..." đã dần dần đi vào quá khứ khi giờ đây làng nghề chiếu Bàn Thạch mọi thứ đang lùi dần về dĩ vãng.

Còn đâu những tiếng thoi đưa

Vốn là nghề truyền thống được tất cả các hộ gia đình trong làng đều coi là nghề để kiếm sống, tới nay, làng chiếu Bàn Thạch chỉ còn vài hộ hầu hết là những cụ cao niên tiếp tục theo nghề. Chiếu làm ra khó tiêu thụ, giá thành lại thấp, một chiếc chiếu thành phẩm, trừ tiền vốn chỉ còn lãi 30.000-40.000 đồng, chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống, nên ít ai còn mặn mà với nghề truyền thống này nữa.

Bà Võ Thị Sơn (66 tuổi) có hơn 50 năm dệt chiếu, thở dài tâm sự: "Mùa này nước ngập mặn rồi, nên lát trồng cũng không được nhiều. Nên phải mua ngoài, mà mua ngoài thì giá thành lại cao, bán chiếu ra trừ tới lui thì không còn được bao nhiêu, với lại gia đình giờ chỉ có mỗi mình bà biết cách dệt, cứ một mình vừa đưa thoi vừa kéo thân cửi... cực lắm nhưng vì nhà bà đã 4 đời theo nghề này rồi, yêu cái nghề này rồi nên phải làm thôi". Bây giờ, cái nghề làm chiếu không còn "hưng thịnh", nhiều người đã chuyển sang làm những công việc khác. Nhiều thế hệ có nghề dệt lâu năm cũng "gác khung cửi" rời làng để lên thành phố mong có công việc có thu nhập ổn định hơn.

Dù cố gắng bám nghề, để giữ ngọn lửa làng nghề truyền thống và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc qua từng sợi lát, nhưng trăn trở về "truyền nhân" để lưu giữ nét đẹp này là những điều mà những người nghệ nhân nơi đây chỉ biết gửi vào những tiếng thở dài cùng tiếng thoi đưa róc rách... Bây giờ, vùng đất được mệnh danh là ốc đảo của Duy Xuyên đã có những con đường bê- tông phẳng phiu thay thế những cung đường đất hoang sơ ngày nào, chợ Bàn Thạch cũng đã khang trang hơn trước, nhưng giờ đây những buổi chợ phiên với bức tranh đầy màu sắc của những chiếc chiếu Bàn Thạch đã không còn lung linh như trước nữa. Tiếng thoi đưa róc rách cũng không còn vang lên đều từ trong những con ngõ của làng, nghề dệt chiếu Bàn Thạch có lẽ đang dần lùi về dĩ vãng!

HOÀI SƠN