Chồng dẫn con bỏ nhà ra đi, không rõ nơi cư trú, vợ có ly hôn được không?
*Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (Văn phòng Luật sư Phong & Partners) trả lời:
Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng.
Theo chị Bích Ngọc trình bày ở trên thì vợ chồng chị đã phát sinh mâu thuẫn, cãi vả thường xuyên, chồng chị đã dẫn theo con, bỏ nhà đi từ cuối năm 2023. Việc chồng chị dẫn theo con bỏ nhà đi thể hiện tình nghĩa vợ chồng không còn sâu đậm, vợ chồng chị không thể chăm sóc, giúp đỡ nhau, vợ chồng chị sống ly thân, chồng chị có dấu hiệu đã bỏ mặc, không quan tâm đến chị nữa. Như vậy, theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị Quyết 01/2024 thì chị có quyền yêu cầu Toà án giải quyết cho chị đơn phương ly hôn với chồng chị.
Để thực hiện quyền đơn phương ly hôn khi chồng chị bỏ nhà đi và dắt theo con nhỏ, chị thực hiện theo các bước hướng dẫn sau.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện ly hôn
Chị cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu).
Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Bản sao/trích lục Giấy khai sinh của con chị.
Bản sao chứng thực CCCD của chị và chồng.
Xác nhận của chính quyền địa phương (công an xã/phường) về việc chồng chị đã bỏ nhà đi, vắng mặt tại nơi cứ trú.
Lưu ý: Trong đơn khởi kiện chị cần trình bày nguyện vọng về quyền trực tiếp nuôi con. Để thủ tục được đơn giản, chị cân nhắc yêu cầu giao con cho chồng trực tiếp nuôi dưỡng và chị không có nghĩa vụ cấp dưỡng. Sau này, khi có thông tin về nơi ở của con, chị có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con bằng một vụ án khác.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Chị gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi vợ chồng chị đăng ký kết hôn hoặc nơi chị cư trú (vì không biết nơi cư trú của chồng).
Hồ sơ khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bước 3: Tòa án xử lý theo thủ tục vắng mặt
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tòa án sẽ:
Gửi giấy triệu tập đến địa chỉ cuối cùng của chồng chị.
Thực hiện niêm yết thông báo tại nơi cư trú cuối cùng của chồng chị và nơi cư trú của chị.
Hết thời gian niêm yết theo quy định của pháp luật, nếu chồng chị vẫn không có mặt, Tòa án sẽ xét xử vụ án ly hôn vắng mặt chồng chị.
Tòa án sẽ giải quyết ly hôn trên cơ sở đơn khởi kiện của chị và không cần chồng chị có mặt, nếu Tòa án thấy đủ căn cứ để chấp nhận ly hôn.
Bước 4: Ban hành Bản án
Về quan hệ hôn nhân, Toà sẽ căn cứ vào tình trạng hôn nhân của chị và người chồng đã bỏ đi mà quyết định cho ly hôn.
Về quyền trực tiếp nuôi con: Trong vụ án này, Toà sẽ xem xét giao con cho chồng chị trực tiếp nuôi và chị không có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425