Báo Công An Đà Nẵng

Chông gai chờ đợi Afghanistan

Thứ hai, 06/01/2014 11:41

(Cadn.com.vn) - Thất bại trong việc ký kết Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Mỹ trước khi kết thúc năm 2013 như yêu cầu của Washington, đã phủ đám mây đen u ám lên tương lai Afghanistan.

Bởi được ký kết, BSA cho phép khoảng 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ tiếp tục hiện diện tại nước này sau năm 2014 – thời điểm toàn bộ quân đội NATO phải rút quân khỏi chiến trường Nam Á.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn kêu gọi Tổng thống sắp mãn nhiệm Afghanistan Hamid Karzai ký BSA trước năm 2013 với cảnh báo rằng, nếu Kabul không đáp ứng thời hạn có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ hoàn toàn rời khỏi đất nước và Afghanistan sẽ không còn nhận được sự trợ giúp quân sự nào.

Việc ký kết ban đầu sắp thành công bởi đã được Hội đồng trưởng lão (Loya Jirga) với khoảng 2.500 thành viên thông qua, song vẫn vướng mắc ở cửa ải “Tổng thống Afghanisan”.

Cho tới nay, Tổng thống sắp mãn nhiệm này vẫn chưa chấp thuận ký BSA, muốn để lại công việc cao cả  này cho người kế nhiệm sau bầu cử tháng 4. Bất chấp những nỗ lực của các quan chức Washington thuyết phục ông Karzai ký hiệp định trong thời hạn, Tổng thống Afghanistan vẫn kiên quyết, nói rằng Nhà Trắng nên ưu tiên đáp ứng một số điều kiện mà ông đưa ra.

Các điều kiện bao gồm, Mỹ phải ngưng tìm kiếm thiết lập cơ sở quân sự ở Afghanistan, hỗ trợ cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Taliban, và đảm bảo cuộc bầu cử ngày 5-4 tới diễn ra minh bạch. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ tất cả đồng thời nói rằng, không có “cây đũa thần” để đáp ứng các điều kiện chỉ qua một đêm.

Mới đây nhất, nhằm gia tăng áp lực cùng với chính quyền của Tổng thống Obama, các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ ngày 2-1 đến thăm và thúc giục Tổng thống Karzai ký BSA. Các nhà lập pháp Mỹ cũng đề nghị Kabul ngừng phóng thích những tù nhân mà Washington xác định là những đối tượng nguy hiểm, đe dọa an ninh của cả hai bên.

Lý do đưa ra là, nếu không có BSA, binh sĩ Mỹ và các đồng minh NATO sẽ phải rút toàn bộ binh lính ra khỏi cuộc chiến kéo dài hơn 12 năm này, bỏ mặc Afghanistan rơi vào tình trạng bạo lực như kiểu Iraq, theo đó lực lượng Taliban sẽ trở lại nắm quyền.

Thật sự, vấn đề gây lo ngại nhất là sự trỗi dậy của Taliban. Người ta không chắc chắn liệu các lực lượng chính phủ Kabul có thể ngăn chặn Taliban tấn công giành lại quyền lực nếu các lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu rời khỏi Afghanistan. Nhưng...

Cờ đang ở trong tay ông Karzai – người đang chuẩn bị rời nhiệm sở và không muốn có “quyết định để đời” gây tranh cãi.

Thanh Văn