Chồng ngoại tình, có bị tước quyền nuôi con không?
* Luật sư Trương Đức Trung (Văn phòng Luật sư Phong & Partners) trả lời:
Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng suôn sẻ và với nhiều người phụ nữ, ly hôn thực sự là một quyết định khó khăn. Bởi lẽ với họ, vấn đề nuôi con chung sau ly hôn là việc đáng bận tâm hàng đầu. Ly hôn, đặc biệt là ly hôn vì lý do ngoại tình thường để lại rất nhiều khúc mắc trong mối quan hệ hai người, điều này gây căng thẳng và rất khó để cả hai có thể ngồi lại, thỏa thuận với nhau về các vấn đề khi ly hôn như con cái, tài sản,... Mặc dù ngoại tình là một hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên hành vi này cũng không phải là điều kiện để một bên bị tước quyền nuôi con. Việc quyết định ai là người được quyền nuôi con sau ly hôn được Tòa án cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con cái.
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP
3. “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
Ngoại tình được hiểu là hành vi mà người đã có vợ/chồng có hành vi quan hệ lén lút với một người khác hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 5.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 03 năm. Như vậy, hành vi ngoại tình là một trong những căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn.
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP về Giải quyết việc nuôi con khi ly hôn quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
2. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 3 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;
b) Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;
c) Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.
3. “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Căn cứ các quy định vừa trích dẫn ở trên, có thể thấy, khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con cái, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định dựa trên những điều kiện đảm bảo quyền lợi mọi mặt tốt nhất cho con cái. Đồng thời, theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì ngoại tình không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Do đó, ngoại tình không phải là căn cứ để tước quyền nuôi con của cha hoặc mẹ.
Đối với trường hợp của chị H.N, khi chị nộp đơn yêu cầu ly hôn, chị cần cung cấp cho Tòa án những bằng chứng chứng minh việc ngoại tình của chồng. Đây sẽ là căn cứ để Tòa án chấp thuận yêu cầu ly hôn của chị. Đồng thời, để giành quyền nuôi con chị phải chứng minh được mình có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Đầu tiên, chị H.N cần chứng minh năng lực tài chính của bản thân để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về mặt vật chất như ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho hai bé. Tiếp theo, chị cần chứng minh cho Tòa án thấy, chị có đủ thời gian và năng lực để trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ hai con, tạo ra một môi trường sống thuận lợi, an toàn, phù hợp với sự phát triển của con. Việc Tòa án quyết định ai là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cái luôn dựa trên quyền lợi và sự phát triển toàn diện của con, do đó, để có thể giành được quyền nuôi hai con, chị H.N cần phải chứng minh được bản thân chị có khả năng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần để đem lại cho con một cuộc sống tốt đẹp nhất.
Như đã trình bày ở trên, ngoại tình không phải là căn cứ để Tòa án hạn chế quyền nuôi con của cha/mẹ, do đó, để có lợi thế trong vấn đề giành nuôi con, chị H.N cần phải chứng minh về mặt tư cách đạo đức của người chồng. Tòa án sẽ xem xét việc ngoại tình của người chồng ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và nhận thức của con, từ đó có căn cứ để quyết định ai là người có thể nuôi dưỡng, giáo dục con cái tốt nhất.
Ngoài ra, chị H.N cũng cần lưu ý quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi” và “nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”, như vậy, đối với bé trai sinh năm 2022, khi giải quyết ly hôn, Tòa sẽ giao cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Đối với bé gái sinh năm 2017, nếu bé từ đủ 07 tuổi theo quy định thì Tòa sẽ xem xét đến nguyện vọng của con, ngược lại, trong trường hợp con chưa đủ 07 tuổi, Tòa án sẽ quyết định, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Như vậy, hành vi ngoại tình không phải là căn cứ duy nhất để quyết định ai được quyền nuôi dưỡng con cái khi ly hôn. Để giành lợi thế trong việc giành quyền nuôi con, chị H.N cần phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng những chứng cứ chứng minh về năng lực tài chính, khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc hai con của bản thân, tiếp theo đó chị cũng cần phải chuẩn bị các chứng cứ chứng minh việc ngoại tình của chồng và sự ảnh hưởng của hành vi ngoại tình này đối với hạnh phúc gia đình, đối với nhận thức và tâm lý của hai con. Tòa án sẽ xem xét dựa trên chứng cứ và sẽ có quyết định công tâm nhất đối với trường hợp này.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425