Báo Công An Đà Nẵng

Chống tham nhũng - cuộc chiến không khoan nhượng

Thứ ba, 26/12/2017 06:50

Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực  là kẻ thù, là "giặc nội xâm" làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Hiện nay, nó đang bị tấn công từ nhiều phía.

Đáng chú ý là sự quyết tâm của Đảng và nhà nước, thể hiện qua những chủ trương biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ. “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, được nhân dân rất ủng hộ và mong chờ.

Thực tế là đã có những vụ việc, những nhân vật là cán bộ lãnh đạo từ cấp trung ương đến tỉnh thành phố, xã phường bị truy tố, bị cách chức, từ đó đã tạo  được niềm tin trong đông đảo quần chúng nhân dân. Không thể phủ nhận, đây là một cuộc chiến đấu không khoan nhượng để bảo vệ đất nước từ bên trong, quyết định sự tồn vong của chế độ, do đó, ngoài chủ trương biện pháp mạnh, phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng toàn dân, trong đó không xem nhẹ vai trò của báo chí.

Tâm lý chung của đông đảo dư luận chân chính là, khi vụ việc tham nhũng, tiêu cực nào, một khi đã bị phanh phui là phải xử lý thích đáng. Không nể nang, nương nhẹ ai, kỷ cương phép nước phải nghiêm và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Cấp trung ương đã vậy thì ở các địa phương, ban ngành cũng đã hình thành những bộ phận đặc trách chống tham nhũng. Điều cần và đủ là nhân sự để thực hiện nhiệm vụ này, phải là những cán bộ, đảng viên trong sạch, không tham nhũng, không tiêu cực, có bản lĩnh và lập trường vững vàng. Tránh chạy theo hình thức, làm cho có, và đặc biệt phải dựa vào dân và cơ quan báo chí, coi đây là kênh thông tin, một đối tác quan trọng để phát hiện, tố giác các cá nhân, tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế là, ngoài xã hội hiện nay không phải hiếm gặp những câu chuyện đại loại người này người kia nói phải “chạy” thế nào, phải lo lót ra sao, phải phong bì, phong bao bao nhiêu v.v... để được việc, đây là một đầu mối cần được quan tâm, vì “không có lửa làm sao có khói”. Điều quan trọng là phải tìm ra chính xác “mầm lửa” đó ở đâu.

Một vấn đề nữa là, nhân dân mong đợi là vụ việc nào, một khi đã được đưa ra anh sáng, dư luận rộng rãi biết thì phải xử lý đến nơi đến chốn, không để xảy ra  chuyện “chìm xuồng” không để các “quan tham” “hạ cánh an toàn” và nhất là không thực hiện các biện pháp như xử lý nội bộ, xử cho qua chuyện, tránh làm theo kiểu "giơ cao đánh khẽ”... Sự bao che, dung túng cho nhau qua hình thức “xử lý nội bộ”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”... sẽ khó thuyết phục được ai, chỉ tạo điều kiện cho những kẻ tham nhũng, cán bộ thoái hoá biến chất có cơ sở để lẩn tránh, đối phó và “yên  tâm” tiếp tục... tham nhũng, sai phạm.

Cuộc chiến đấu chống  "giặc nội xâm" đang bước vào hồi quyết liệt, đòi hỏi phải có đồng lòng nhất trí cao, phải mạnh tay đều tay ở mọi ngành, mọi cấp. Có như vậy "giặc tham nhũng" mới không còn "đất sống" và đất nước ta mới có cơ hội tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời hằng mong muốn.

DÂN HÙNG