Báo Công An Đà Nẵng

Chống thời sa sút của nhạc Việt

Thứ sáu, 25/07/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, hoạt động âm nhạc của đất nước có những chuyển biến tốt đẹp. Nhiều giai điệu đẹp và lời ca với hình tượng trong sáng, sống trong tâm hồn công chúng. Những năm gần đây, hoạt động âm nhạc như chững lại, thậm chí sa sút, bộc lộ nguy cơ mất tính chuyên nghiệp, do sự phát triển thiếu hài hòa, mất cân đối giữa các thể tài âm nhạc. Đời sống âm nhạc thiếu tác phẩm hay, tác phẩm thể tài lớn như nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng, giao hưởng.

Ca khúc ra đời ngày càng nhiều, nhưng có ít tác phẩm hay tốt, gắn liền với hiện thực đời sống xã hội, được công chúng yêu quý, khen ngợi. Dần dần, công chúng không còn được thưởng thức những "ca khúc sống mãi với thời gian", "ca khúc đi cùng năm tháng", "những bài ca không quên"... Cùng lúc với sự quảng bá nhộn nhịp, ào ạt loại ca khúc thị trường, những bài hát về tình yêu trai gái bộc lộ cái thấp kém, cái thô thiển, quanh quẩn với tình lừa, bỏ tình... Và hỗn loạn hơn là bài hát vay mượn, sao chép của nước ngoài, "nhạc điên", "nhạc chế", "nhạc não tình"...

Tại Hội thảo khoa học "Âm nhạc Việt Nam, thực trạng và phương hướng" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM bàn về tính định hướng, nêu rõ: Trong một nền nghệ thuật có định hướng, âm nhạc đã phát huy sức mạnh của mình trong cuộc sống xây dựng và chiến đấu của nhân dân ta. Song kể từ thời kỳ đổi mới, văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc nói riêng đã bị chi phối, tác động bởi quy luật kinh tế thị trường; tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dần dần bị phai mờ, nhường chỗ cho ca nhạc giải trí.

Trong đó, ca khúc đại trà (pop) lên ngôi, với đề tài chủ yếu về tình yêu nam nữ, nội dung và hình thức còn nhiều điều phải bàn, phải nói. Ca khúc pop đã biến thành hàng hóa theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa, của các ca sĩ đang "ăn khách" và cả của các nhà tài trợ, các phương tiện thông tin đại chúng. Các chương trình ca nhạc trên truyền hình cũng vào cuộc tôn vinh thứ hàng hóa ấy, khiến thật giả lẫn lộn, khán thính giả hoang mang, bức xúc. Có nhạc sĩ đã phải thốt lên: "Các nhà tài trợ quyết định sự định hướng chứ không phải ai khác!".

Hiện tượng hỗn loạn trong ca khúc pop hiện nay là quá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ; ca sĩ cũng sáng tác và tự trình bày bài hát của mình, ai cũng có thể phát hành album và trở thành nhạc sĩ! Mọi tiêu chí bị đảo lộn, quy chuẩn bị xáo trộn, những "sáng tác" này tự do lên sân khấu, tự do phổ cập, vì không có cơ quan chức năng nào để ý tới một cách thấu đáo. Ở nước ta, chưa có một sự phân biệt rạch ròi giữa kỹ nghệ giải trí và làm nghệ thuật đích thực. Sự ra đời của một nền kỹ nghệ giải trí tự phát và không thể kiểm soát nổi, là sự xuất hiện những hệ quả tất yếu mà nhiều người gọi đó là những "thảm họa nhạc Việt".

Để ổn định thị trường ca nhạc, trong khi chờ đợi bộ luật hoàn chỉnh về kỹ nghệ giải trí, cục biểu diễn nghệ thuật phải coi những hoạt động vui chơi giải trí là trò "giải trí tự phát", nhưng khi đã nhập vào kinh tế thị trường là phải quản lý theo luật. Theo đó phải gấp rút soạn thảo bộ luật về kỹ nghệ giải trí phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ văn hóa, chính trị của nhân dân, để mọi hoạt động giải trí phải đi vào đúng hướng, lành mạnh, hạn chế tới mức tối đa những biến tướng tiêu cực, ảnh hưởng không tốt của kỹ nghệ giải trí ngoại lai.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng một cách kiên trì, có hệ thống và liên tục, song vì không phải cơ quan quản lý Nhà nước, nên tính hiệu quả rất thấp. Vì thế cần có một giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những bức xúc trong âm nhạc hiện nay, thay vì cứ mãi lúng túng với cơ chế cũ, không còn phù hợp và kém hiệu quả.

Trương Đình Quang