Báo Công An Đà Nẵng

Chống "virus tin đồn"

Thứ năm, 03/09/2020 06:50

Cho tới những ngày gần đây, cơ quan chức năng vẫn phải xử lý nhiều trường hợp gieo rắc tin đồn thất thiệt về Covid-19. Nói như cư dân mạng, cộng đồng không chỉ đối mặt với virus, mà còn phải đau đầu nhức óc tốn công tốn của với thành phần "tỏ ra nguy hiểm"!

Nếu chẳng may là một ca bệnh được công bố dương tính với virus SARS-CoV-2 vào thời điểm này, dù không ai mong muốn, nhưng với tình hình dịch bệnh đã được công bố, đó là điều đáng ra không nên nhìn nhận là quá khủng khiếp. Một bệnh nhân đang điều trị, một công chức văn phòng, một bác sĩ, một chiến sĩ công an hay người lao động phổ thông làm việc trong môi trường chứa virus hay tiếp xúc bị động với nguồn bệnh đều có nguy cơ trở thành F0. Dương tính ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh đã là khiến chính bệnh nhân phải chịu bao lo lắng đã đành, nhiều người còn gặp nhiều phiền toái với những lời dị nghị, đồn thổi ác ý trên mạng xã hội. Gia đình, bạn bè, cơ quan nơi họ làm việc bỗng nhiên trở thành chủ đề bàn tán, suy diễn, thêu dệt bởi một loại virus khác: “Virus tin đồn”. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, những câu chuyện không đầu không cuối, tam sao thất bản còn ảnh hưởng không nhỏ đến cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc.

Nhớ lại những ngày mới bùng phát dịch đợt 2, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tại Trung tâm THVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) cho biết, không chỉ căng thẳng trong công việc để truyền tải đầy đủ những thông tin nóng về cuộc chiến chống Covid-19 tại các tỉnh miền Trung mà họ còn gặp phiền phức bởi bỗng nhiên trở thành “người nghi nhiễm”. Số là ca bệnh 684 (SN 1964) thường trú tại đường Hà Đặc, Q. Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân công tác tại Phòng Quản lý Phát sóng miền Trung thuộc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng, Đài THVN. Bệnh nhân này có nguồn lây nhiễm từ việc chăm sóc người nhà điều trị tại bệnh viện, đã được cách ly theo dõi y tế từ ngày 26-7. Từ ngày 24-7 đến nay, bệnh nhân không đến cơ quan và không tiếp xúc với người trong cơ quan; những người tiếp xúc trước đó đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Vậy nhưng không hiểu vì sao, trên mạng xã hội nhanh chóng xuất hiện thông tin nhiều cán bộ, nhân viên của đơn vị này đã tiếp xúc, lây nhiễm phải cách ly, thậm chí còn đồn đến mức VTV8 có nguy cơ phải dừng phát sóng. Ban đầu, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi không muốn quan tâm, nhưng tin đồn đi quá xa đã khiến nhiều người phải đăng đàn giải thích, thậm chí Đài THVN cũng phải có bản tin về câu chuyện này để dư luận hiểu rõ câu chuyện.

Cũng với cách mập mờ, lấp lửng này, sau khi công bố một ca bệnh là chiến sĩ công an canh giữ một can phạm đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng bị nhiễm Covid-19, một vài trang fanpage giật cái tít rất sốc là “Công an canh gác Bệnh viện Đà Nẵng bị nhiễm nCoV”. Minh họa cho thông tin câu view, câu like này là bức hình 2 CBCS đang bảo vệ tại các khu dân cư phong tỏa để truy vết nguồn bệnh, xét nghiệm cho người dân! Thông tin lập tức thu hút hàng nghìn lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ kèm vô số những bình luận suy diễn, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý người làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong thời gian cách ly xã hội. Trên thực tế, ca nhiễm được Bộ Y tế công bố là chiến sĩ ở Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng làm nhiệm vụ canh giữ một can phạm đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Thời gian chiến sĩ này làm nhiệm vụ ở Bệnh viện Đà Nẵng là trước khi Đà Nẵng phát hiện ca dương tính đầu tiên, và vì trong môi trường có chứa virus, chiến sĩ này đã không may bị nhiễm như những trường hợp dương tính khác thời gian qua. Chiến sĩ này thực hiện nhiệm vụ liên tục ở Bệnh viện Đà Nẵng, chưa về đơn vị lần nào nên nguy cơ lây lan là thấp, lực lượng Công an, với sự chủ động của mình đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, tránh không để tình hình dịch bệnh lây nhiễm.

Không chỉ là những suy diễn, đồn thổi, đưa ra những “hậu quả tưởng tượng” liên quan đến các ca bệnh, nhiều facebook cá nhân, các hội nhóm còn đăng những thông tin không có thật liên quan đến dịch bệnh như số người nhiễm, số người tử vong, các khu vực dân cư bị phong tỏa, khuyên người dân đóng cửa ban đêm để “quân đội dùng trực thăng phun hóa chất”. Một số trang facebook rảnh rỗi lướt mạng, góp nhặt các thông tin trôi nổi, không được kiểm chứng nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu thì chỉ thả một chữ “toang” hay “thất thủ” trên cái nền trạng thái màu đen, màu đỏ, màu xám cũng thu hút được rất nhiều người vào bình luận tỏ ra hiểu sự tình, người khác thì thả những biểu tượng gương mặt khóc đầy lo âu và bất an.

Từ việc theo dõi, xác minh, nắm thông tin các chủ tài khoản facebook cá nhân, các trang fanpage trong thời gian qua, lực lượng nghiệp vụ của Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng cho biết, một số trường hợp thiếu hiểu biết nhưng tỏ ra hiểu biết, hóng tin xong rồi đăng bài cho vui; một số thì muốn cộng đồng mạng chú ý để bán hàng online; số khác thì lập trang để thu hút nhiều thành viên tham gia, sau đó bán lại nhằm mục đích quảng cáo thương mại. Cùng với việc xác minh, làm rõ và xử lý các cá nhân liên quan đến 14 trang “báo chốt nồng độ cồn”, thời gian qua Phòng An ninh Chính trị nội bộ cũng mời làm việc và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nhắc nhở nhiều cá nhân tung tin giả liên quan đến Covid-19, thổi phồng hoặc bịa đặt gây hoang mang trong quần chúng nhân dân cũng như nhiệm vụ chống dịch của lực lượng chức năng. “Tất cả các trang, hội nhóm đều được chúng tôi xác minh và nắm rõ. Các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật đều sẽ được xử lý nghiêm”, lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ cho biết.

Cuộc chiến phòng chống Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng, khó khăn, nhưng người dân hoàn toàn tin tưởng những chủ trương, biện pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ tạo đà cho thắng lợi toàn cuộc. Bên cạnh những câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng chống dịch mà chúng ta được nghe, được thấy hàng ngày, có lẽ slogan “Đứng yên khi Tổ quốc cần” cũng sẽ bao gồm việc không tung ra những con “virus tin đồn” ác ý để cả nước rảnh tay chống dịch. Không gian mạng bao la, loại “virus” không hình hài này được ném vào đâu cũng để lại nhiều hậu quả khôn lường. 

 CÔNG KHANH