Báo Công An Đà Nẵng

Chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ dưới 5 tuổi

Thứ năm, 15/10/2015 11:50

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-10, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Đến hết tháng 9-2015, cả nước ghi nhận 34.319 ca mắc tay chân miệng và 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc giảm 39,3%; so với trung bình giai đoạn 2010-2014, số mắc giảm 53,7% và số trường hợp tử vong giảm 1,4%.  Cục Y tế Dự phòng khẳng định: Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên bệnh cũng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, nhiều hơn ở dưới 5 tuổi. Tỷ lệ người lành mang trùng cao 71%. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp dịch nốt phỏng.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh tay chân miệng, cả người lớn và trẻ em nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Các bậc phụ huynh cần chú ý không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khỏi bệnh, không đưa trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác; đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

P.V