Chủ động tự lực, tự cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh
Tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, trong dự thảo Luật có nhiều khái niệm chuyên ngành quân sự, quốc phòng. Do đó, đối với quy định về giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, chính xác, chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng làm rõ về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và chính sách hỗ trợ động viên công nghiệp, cho rằng những vấn đề này cần tổ chức thực hiện ngay từ trong thời bình; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi xây dựng các cơ sở công nghiệp. “Chúng ta xác định đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên thế giới cho thấy kết quả này làm rất tốt”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần xác định rõ phương hướng, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: “Đất nước của chúng ta là đất nước làm giàu từ biển thì công nghiệp quốc phòng không phải chỉ có lục địa. Chúng tôi sản xuất tất cả các loại vũ khí, trang bị bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu liên quan đến cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng an ninh, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương quân đội, nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, chính sách về cơ sở quốc phòng nòng cốt, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh…
Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; nhất là về các nhóm nội dung như: cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; vai trò nguồn vốn ngân sách nhà nước; bảo đảm bí mật quân sự, bí mật Nhà nước; các cơ chế chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
* Chiều 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 78,14%). Trước đó, vào buổi sáng, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 465/469 đại biểu có mặt tán thành (tương đương 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội). Cùng ngày, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,93%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
HIỀN HẠNH