Báo Công An Đà Nẵng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với mảnh đất, con người Xứ Quảng

Thứ tư, 11/09/2013 08:44

(Cadn.com.vn) - Những năm 1908-1909, Lê Đình Dương, người con của quê hương Quảng Nam là bạn học với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh) ở Trường Quốc học Huế trở thành hai người bạn tâm giao. Sau khi cùng Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế tại Huế, Lê Đình Dương đã đưa Nguyễn Tất Thành về thăm quê ở La Kham (Điện Bàn) và Hội An. Chuyến thăm này đã để lại những ấn tượng đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Từ đó, Nguyễn Tất Thành luôn qua tâm, dõi theo đến con người và những sự kiện phong trào yêu nước cách mạng ở Quảng Nam.

Năm 1908, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ nổ ra, mà Quảng Nam là điểm khởi phát đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Sau này, khi viết bài tố cáo, lên án chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương và sự phản kháng của nhân dân An Nam, đăng trên báo Nhân đạo, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn ra vụ nổi dậy của nhân dân Trung Kỳ năm 1908: "Buộc phải bị kìm chế bởi sức mạnh, nhân dân An Nam, mà lịch sử chân chính đã khởi đầu từ hơn 3.000 năm, từng lúc, từng lúc như có những đợt cồn cào chống đối, biểu hiện bằng những mưu toan nổi dậy rộng khắp hoặc bằng hành động của những con người tuyệt vọng, như những cuộc biểu tình ôn hòa năm 1908... Đó là những cuộc phản kháng vô hiệu mà mỗi lần đều đem lại những trận càn đẫm máu".

Bác Hồ và hai cháu Phan Quốc Khánh và Phan Bình Minh
(con đồng chí Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam) năm 1956. Ảnh tư liệu

Năm 1926, Cụ Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn, đám tang cụ được tổ chức trọng thể ở ba kỳ với sự tham dự đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Với sự ngưỡng mộ, kính trọng tài năng, đức độ của Cụ Phan, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Năm 1926, có một sự kiện thức tỉnh toàn quốc tiếp theo cái chết của nhà quốc gia chủ nghĩa lão thành Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức truy điệu... ở An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ".

Tháng 5-1939, Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng Quảng Nam mất. Đám tang của ông được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Mến mộ tài năng, tinh thần yêu nước của Phan Thanh, trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương, người viết về Phan Thanh: "Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh về dự, dài trên 2km, với 110 bức điện viếng, chưa bao giờ có đám tang nào lớn như thế tại Hà Nội".

Nghệ sĩ múa Phương Thảo trong một lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam, trong những câu chuyện, Người hay nhắc đến tính "hay cãi" của người Quảng Nam và ghi nhận "Quảng Nam đất cách mạng kiên cường". Người cũng rất quan tâm đến các nhân vật người Quảng Nam trong lịch sử như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Trỗi... Bác gọi Hoàng Diệu "cùng thành còn mất làm gương để đời", gọi Trần Quý Cáp là "nhà nho thanh cao". Trong phiên họp Chính phủ Quốc hội khóa I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao về tài năng, đạo đức cách mạng của Cụ Huỳnh, Người nói: "Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao".  Người còn nhận xét về Cụ Huỳnh: Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan,... cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập".

Đặc biệt trước sự hy sinh anh dũng của anh Trỗi (15-10-1964), Người viết: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh, chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước nhất là các cháu thanh niên học tập". Trong thư gửi thanh niên, ngày 2-9-1965, Bác viết: "Các cháu thiếu niên miền Nam,... dưới ngọn cờ của mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam đã được rèn luyện thành một thế hệ thanh niên vô cùng gan dạ, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng, noi gương oanh liệt của các anh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang và nhiều liệt sĩ khác"...

Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dõi theo từng phong trào, sự kiện lịch sử của Quảng Nam và luôn trân trọng những cống hiến hy sinh của con người, mảnh đất Xứ Quảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lê Năng Đông