Chủ tịch Jim Yong Kim và hành trình "giải cứu" WB
(Cadn.com.vn) - "Jim Yong Kim đang giải cứu Ngân hàng Thế giới", đây là một phần nhận định bài viết vừa được công bố trên tạp chí Foreignpolicy của Nga, cho thấy, hành trình 4 năm ông Jim Yong Kim trở thành người đứng đầu tổ chức tín dụng quan trọng toàn cầu này.
Ông Jim Yong Kim, 57 tuổi, là một bác sĩ người Mỹ gốc Hàn, từng làm hiệu trưởng Đại học Dartmouth, Trưởng khoa Y tế toàn cầu và Y khoa xã hội tại Đại học Y khoa Harvard và đồng sáng lập kiêm điều hành tổ chức "Partners In Health". Bước ngoặt đến với ông vào tháng 4-2012 khi ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), trở thành người gốc Châu Á đầu tiên đảm nhiệm cương vị này.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim ưu tiên xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới. |
Cải tổ để thành công…
Với sự xuất hiện của ông Kim, WB từng bước "thay da đổi thịt", đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo đã đạt được những bước tiến mới.
Năm 2015, tỷ lệ người sống trong nghèo đói cùng cực lần đầu giảm xuống dưới 10%. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào WB như Ấn Độ hay Trung Quốc từng bước thoát WB và trở thành nước cho vay. Trong 4 năm làm việc tại trụ sở của WB tại Washington, ông Kim tổ chức lại lực lượng lao động 15.000 người để phản ánh sự cải cách ngay từ khâu quản lý con người để dần dần chấm dứt cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu. Ông cũng quyết định phát hành khoản vay 56 tỷ USD "đột xuất" ngoài nhiệm vụ truyền thống của WB như đối phó với thay đổi khí hậu, hay giải quyết các vấn đề liên quan đến di cư của Syria.
Trong khi sức nóng của cải cách chưa hạ nhiệt, WB phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác, dịch Ebola. Ông Kim đưa ra quyết định hợp lý, ứng phó khẩn cấp, cam kết cho vay 400 triệu USD để dập tắt đại dịch này. Vị lãnh đạo của WB cử nhân viên ngân hàng đến tận Tây Phi và phối hợp với người đứng đầu của WHO cung cấp chuyên môn để dập tắt dịch. Một số "cựu binh" của WB phản đối kịch liệt nhưng ông Kim cho rằng, ngân hàng thế giới không thể ôm túi tiền đứng ngoài cuộc được bởi khi sức khỏe cộng đồng không được quan tâm thì tăng trưởng kinh tế là vô nghĩa.
Mặc dù cuộc chiến cải cách đã vào khuôn khổ và đạt thành tích, nhiều người trong cuộc vẫn cho rằng, tham vọng của Chủ tịch WB có phần mạo hiểm, mang tính xâm lấn, đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn bị cáo buộc là "sai lầm tồi tệ".
...và những mục tiêu mới trong tương lai
Tại Hội nghị thường niên 2016 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khai mạc tháng 1-2016 tại Davos, Thụy Sĩ, thay mặt WB, ông Kim cho biết, WB đang áp dụng chương trình mới quan tâm đến tình trạng thấp còi ở trẻ em.
WB coi đây là một phần của "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư" bên cạnh chủ đề trí tuệ nhân tạo, robot, và các công nghệ nóng bỏng khác. Theo WB, tình trạng suy giảm chất xám vì suy dinh dưỡng ở trẻ em đang gia tăng đến mức báo động, còi cọc chính là yếu tố giảm thu nhập của con người nếu không được đầu tư đúng mức, vì vậy "đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất xám, cơ sở hạ tầng tế bào thần kinh là mục tiêu rất quan trọng". Ngoài ra, WB còn đưa ra chương trình đoạn tuyệt với đói cùng cực vào năm 2030, trong đó Chủ tịch Kim muốn giúp đỡ các nước nghèo tăng thu nhập cho ít nhất 40% dân số qua việc tiếp cận phổ cập các dịch vụ ngân hàng, một trong rất nhiều mục tiêu mà WB hiện đang hướng tới.
Và giới phân tích cho rằng, những hoạt động và mục tiêu của WB đặt ra nhiều hy vọng hơn cho những người nghèo khó trên toàn thế giới.
Khắc Hùng
(Theo Foreignpolicy)