Báo Công An Đà Nẵng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung hỗ trợ tốt nhất cho người dân

Thứ năm, 20/10/2022 08:44
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì buổi làm việc.

Chia sẻ sâu sắc với khó khăn của bà con

Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Trong trận lụt lịch sử vừa qua, 52/56 xã, phường thuộc 07 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1,0 m, có nơi ngập đến 2,0 m, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà. Trước khi lụt xảy ra, toàn thành phố đã sơ tán, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho hơn 14.000 người.

Về tình hình thiệt hại, có 04 người chết, 1 nhà sụp hoàn toàn; sập một phần 28 nhà. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều hư hỏng các thiết bị dân dụng như tivi, tủ lạnh, máy quạt, bàn ghế, giường, tủ…; nhiều tài sản có giá trị như xe ô tô, xe máy của người dân bị ngập nước, hư hỏng; hư hỏng hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe và hộ buôn bán tạp hóa, thực phẩm, áo quần, vải, rau củ quả… và hư hỏng máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Rau màu các loại bị ngập úng khoảng 74,22 ha; nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; gia súc gia cầm trôi, chết gần 60.000 con. Về điện lực 130 vụ sự cố về điện do ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn; 2.631 trạm biến áp bị mất điện và 207.705 khách hàng bị mất điện. Về giáo dục, văn hóa, 14 trường học trên địa bàn bị ngập, thiệt hại hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học.

Giao thông nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị sạt lở, hư, hỏng. Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bị vùi lấp do bị sạt lở núi với khối lượng đất đá lớn, trong đó, khối lượng đất đá sạt lở xuống khu vực có mộ là ước 6.120m3, khối lượng đất đá sạt lở xuống đường giao thông ước 9.635m3); số lượng mộ bị vùi lấp đến nay chưa thống kê được. Trong khi đó, thiệt hại tài sản trong dân, doanh nghiệp trên 2.000 xe ô-tô và trên 30 ngàn xe máy bị ngập nước; các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước bị hư hỏng các thiết điện tử, dân dụng… Theo Chủ tịch thành phố, ước thiệt hại sơ bộ ban đầu khoảng 1.486,505 tỷ đồng. Sau lũ, Thường trực Thành ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các ngành, địa phương, chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 5 và mưa lũ gây ra, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương chính quyền thành phố, các sở ngành, quận huyện, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả trận lũ lụt lớn vừa qua xảy ra tại Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung, đồng thời chia sẻ: Tôi xin chuyển lời thăm hỏi ân cần của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng lời thăm hỏi ân cần đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung. Trong đó, bao gồm các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là chia sẻ với thành phố Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất thiệt hại lớn nhất về người và tài sản trong phạm vi rộng lớn của thành phố. “Trung ương Đảng, Nhà nước các cơ quan chức năng của Trung ương chia sẻ sâu sắc những khó khăn của người dân miền Trung nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng bị thiệt hại trong trận lụt lịch sử hàng trăm năm mới có, nhất là gia đình người bị tử nạn. Đồng thời Trung ương cũng biểu dương, đánh giá cao hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang đã chủ động nhanh chóng, kịp thời ứng phó với mưa lũ, trận lũ lịch sử hàng trăm năm chưa có. Chúng ta đã hạn chế tối đa số người bị nạn. Đây là một cố gắng rất lớn mà chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua” – Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng tượng trưng 20 căn nhà cho đồng bào.

Không để người dân thiếu đói

Chủ tịch nước nhìn nhận: Qua đợt lũ vừa qua, tại TP Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của CBCS quân đội, Công an và cả sự hỗ trợ tích cực của nhiều người dân. Sự xông pha, hỗ trợ tích cực đó rất đáng quý, cần có rà soát để khen thưởng. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử này, đồng thời khẳng định niềm tin của người dân đặt rất cao vào chính quyền và các lực lượng vũ trang. Trong khi đó, các ngành khác như điện lực, tài nguyên môi trường, giao thông… cũng có nhiều nỗ lực, phấn đấu, khắc phục hậu quả rất kịp thời, ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân. “Hôm nay đi trên phố, Đà Nẵng vẫn còn bề bộn, ngổn ngang, cuộc sống bà con còn xáo trộn. Vì vậy, chính quyền Đà Nẵng và các ngành bên cạnh tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, cần phải hỗ trợ tốt nhất cho bà con, không được để ai thiếu đói, sớm đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường. Yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nhất là công tác hỗ trợ cho các hộ dân đang thiếu thốn, khó khăn. Cùng với đó, khắc phục cơ sở bạ tầng giao thông, sạt lở đất đá; ổn định cơ sở trường học cho các em đến trường. Tinh thần là phải cứu trợ nhanh nhất, công khai nhất, không để thiếu sót xảy ra trong khâu cứu trợ, hỗ trợ nhân dân” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.


Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm thôn Thạch Nham Đông.

Về lâu dài, Chủ tịch nước yêu cầu phải chú trọng đến công tác dự báo mưa bão, đồng thời tính toán quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước tốt hơn cũng như tuyên truyền mạnh về khâu phòng chống mưa bão để người dân phòng ngừa. Về những kiến nghị của Đà Nẵng liên quan đến khâu hỗ trợ, Chủ tịch nước cho biết đoàn công tác sẽ tính toán hỗ trợ với mục tiêu ổn định sớm nhất cuộc sống cho nhân dân. Cùng với Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước cũng kêu gọi các ngành, các nhà tài trợ, tổ chức cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi người dân hãy cùng chung tay hỗ trợ để nhân dân vùng lũ lụt sớm ổn định cuộc sống. “Dịp này, xin chúc TP Đà Nẵng tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, để thành phố phục hồi sớm, phát triển thật nhanh hơn nữa” – Chủ tịch nước nói.

Chung ý kiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ với bà con các địa phương bị thiệt hại, đồng thời lưu ý thành phố Đà Nẵng và các ngành thời gian tới cần chủ động nắm tình hình mưa lũ, làm tốt công tác dự báo và có các phương án phòng chống bão lũ, nhất là khuyến cáo bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, cũng như có phương án phòng chống bão lũ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.

Thay mặt đảng bộ và nhân dân thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước và đoàn công tác, đồng thời tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch nước và đồng chí Phó thủ tướng cũng như các thành viên trong đoàn đã dành tình cảm cho nhân dân vùng lũ miền Trung nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng. Bí thư Thành ủy hứa sẽ có chỉ đạo, tổng kết đánh giá tình hình khắc phục mưa bão và tổ chức rút kinh nghiệm, từ đó làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cùng với đó, tập trung rà soát kỹ để hỗ trợ tốt cho bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng quà cho bà con thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Tại buổi làm việc, cá nhân Chủ tịch nước đã tặng 20 căn nhà hỗ trợ nhân dân Đà Nẵng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng 20 căn nhà, Phó thủ tướng Lê Văn Thành 10 căn; Hội chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 300 thùng hàng và 300 triệu (tổng cộng 480 triệu đồng); Bộ giáo dục tặng 4.000 bộ sách giáo khoa; tập đoàn điện lực 2 tỷ đồng, điện lực miền Trung hỗ trợ 500 triệu đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm thôn Thạch Nham Đông

Ngày 19-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã tới thăm bà con nhân dân bị thiệt hại trong mưa lũ tại thôn Thạch Nham Đông, Hòa Nhơn, Hòa Vang. Tại đây, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo địa phương báo cáo tình hình thiệt hại và ân cần thăm hỏi, tặng quà xã Hòa Nhơn, trong đó có gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, có chồng là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, đã mất vì bệnh tật. Bà hiện nay đã 65 tuổi, sống cùng vợ chồng con trai, trong đợt mưa lũ vừa qua, ngôi nhà bà Hoa cùng con trai sinh sống đã bị sập, hư hỏng hoàn toàn. Chủ tịch nước động viên gia đình vượt qua khó khăn…, đồng thời, yêu cầu chính quyền, các ban ngành thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang khẩn trương hỗ trợ để gia đình bà Hoa ổn định cuộc sống. Tại thôn Thạch Nham Đông, Chủ tịch nước động viên nhân dân tích cực vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền, các Ban ngành TP, huyện Hòa Vang cần khẩn trương tập trung các nguồn lực, khắc phục hậu quả bão lụt, để ổn định đời sống nhân dân. Tăng cường công tác phòng, chống bão lụt, vì mùa mưa bão ở miền Trung vẫn còn kéo dài, phức tạp.

HỒNG THANH

CÔNG HẠNH