Chủ tịch Quốc hội mong các lời hứa được thực hiện tốt
(Cadn.com.vn) - Ngày 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử theo hình thức truyền hình trực tiếp. Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa – UVBTV, Trưởng đoàn ĐBQH TP và đại diện các ngành có liên quan cùng tham gia.
Toàn cảnh phiên chất vấn. |
Giải quyết đúng luật các vụ án lớn
Tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, đa số các đại biểu (ĐB) đều tập trung đến các vụ án lớn. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đặt các câu hỏi: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” có bị oan không?
Hình phạt tử hình dành cho Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) có thỏa đáng hay không khi Chưởng khởi xướng việc đi cướp nhưng không phải là người trực tiếp gây ra vết thương khiến bị hại tử vong? Tại sao tình tiết như nhau về tội “Hiếp dâm trẻ em”, “Cướp tài sản” mà Lê Bá Mai (Bình Phước) xử án chung thân còn Hàn Đức Long (Bắc Giang) lại nhận mức án tử hình?
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 của Quốc hội, Tổ công tác liên ngành, gồm: VKSND tối cao, TANDTC, Bộ Công an đã xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương. Qua đó, đã thụ lý xem xét 35 trường hợp được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình). Trong số 35 trường hợp đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp.
Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của tòa là đúng pháp luật. Đối với 11 trường hợp còn lại, TANDTC đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo đúng pháp luật. Ngoài ra, trong năm 2014, TANDTC cũng đã xem xét một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan, như các vụ: Lê Bá Mai (Bình Phước), Hồ Duy Hải (Long An), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng.
Đối với trường hợp Hồ Duy Hải (Long An), Tổ liên ngành cũng được thành lập để xem xét lại vụ án này cũng hỏi trực tiếp thì Hải vẫn nhận tội, đơn chỉ là xin giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay. Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng cho biết Tổ liên ngành sẽ sớm họp lại để đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan về chứng cứ và việc áp dụng pháp luật trong vụ án này để xử lý đúng đắn...
Đối với vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án, dù không làm chết người nhưng kẻ thủ ác thuộc băng nhóm của Chương nên Chưởng vẫn phải chịu trách nhiệm và đây không phải là vụ án oan...
Việc hai bị cáo đều phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” nhưng Lê Bá Mai (Bình Phước) nhận án tù chung thân còn Hàn Đức Long (Bắc Giang) là tử hình, ông Trương Hòa Bình khẳng định đây là vấn đề áp dụng luật: Trong Bộ luật Hình sự, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì khung hình phạt rộng từ 12-20 năm đến chung thân và tử hình. HĐXX căn cứ tình tiết, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng, yếu tố tăng nặng giảm nhẹ và đưa ra quyết định độc lập trong phạm vi khung hình phạt của Luật, Chánh án TANDTC cũng không can thiệp...
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nêu ra một số vấn đề: Các tòa án có xác định bản thân mình xét xử oan sai không hay còn phải chờ VKS kháng nghị, đơn thư tố cáo? Trong trường hợp người xử sai sẽ bị xử lý như thế nào? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Quá trình điều tra, truy tố, cho dù là sai ở đâu thì trách nhiệm cuối cùng vẫn là tòa án, là thẩm phán giải quyết vụ án chứ không thể đổ lỗi cho CA, VKS được. Bất kể oan sai ở đâu thì tòa án là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình |
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung và vụ ông Nguyễn Thanh Chấn nói riêng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua, các tòa án đã triển khai nghiêm túc việc giải quyết các yêu cầu bồi thường, kịp thời bồi thường thiệt hại cho người bị hại do người thi hành công vụ gây ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Trong 3 năm (từ 2012-2014), tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; thụ lý 19 đơn, trong đó đã giải quyết được 13 trường hợp với số tiền bồi thường hơn 1,69 tỷ đồng, 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết. Riêng trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đứng ra giải quyết vấn đề quyết liệt, hiện chỉ chờ phía gia đình ông Chấn cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan thì sẽ tiến hành việc bồi thường.
Chương trình 135 là hợp lòng dân
Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, các ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông); Trương Minh Chiến (Bạc Liêu); Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt nhiều câu hỏi: Chương trình 135 có thực hiện đúng các yêu cầu đặt ra không?
Hiện chỉ có khoảng 6% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đào tạo nghề, có giải pháp gì để nâng tỷ lệ này lên không? Chương trình 135 thực hiện từ năm 1999 đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho vùng đồng bào DTTS, tuy nhiên đến nay nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ khó khăn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện không có nguồn vốn để cho vay...
Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử |
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết: Trong 2 năm 2014-2015, ngân sách Trung ương đã bố trí được 7.790,05/12.100 tỷ đồng, bằng 64,38% theo định mức được phê duyệt, do nguồn kinh phí bố trí không đủ theo Quyết định 551 nên việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng cho các xã, thôn cũng thấp lại. Ông cũng khẳng định: Chương trình 135 là hợp lòng dân và đã thu được nhiều thành quả quan trọng, tuy nhiên khoảng cách về thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác ngày càng lớn, do đó mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có những chính sách thiết thực hơn, quyết liệt hơn, hỗ trợ kịp thời hơn đối với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bộ trưởng cũng cho rằng hiện nay, việc xây dựng các chương trình, dự án đối với vùng khó khăn còn theo nhiệm kỳ, chưa mang tính hệ thống, mà mỗi chương trình, dự án phải mất 3 năm làm chính sách, 1 năm triển khai, cuối cùng đồng bào chỉ thụ hưởng được 1 năm là rất bất cập, không hiệu quả do đó đề nghị phải thay đổi chính sách mang tính trung, dài hạn, xây dựng chương trình phát triển miền núi thành các chương trình, mục tiêu quốc gia cho các tỉnh có đông đồng bào DTTS để tập trung giải quyết các vấn đề về KT-XH cho vùng được xem là lõi nghèo của cả nước.
Thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng và các ĐBQH mong muốn Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách dân tộc kịp thời; hỗ trợ giảm nghèo cho các thôn, bản, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đến nhóm dân tộc đặc thù, nhất là các DTTS có số lượng ít; chăm lo quy hoạch bố trí dân cư miền núi gắn với thực hiện chính sách dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên đồng bào dân tộc...
Các đại biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: P.V |
Phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh Chánh án TANDTC và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có sự chuẩn bị chu đáo, trả lời chất vấn về cơ bản đạt các yêu cầu do các đại biểu đặt ra. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian tới, trong lĩnh vực tư pháp cần tránh làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm, thực hiện đầy đủ quyền con người; ngành tư pháp thực sự đổi mới đúng theo tinh thần của Hiến pháp.
Đối với Ủy ban Dân tộc hiện nay có sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhưng vai trò của Ủy ban Dân tộc là cực kỳ quan trọng. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan phải tập trung sức lực để thực hiện chính sách KT-XH nói chung, chính sách đối với đồng bào DTTS nói riêng, làm sao để các chính sách dân tộc gắn với chính sách vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phải thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi; cần rà soát, xem xét lại các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, hình thành hệ thống chính sách phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trước mắt, trong năm 2015 phải hoàn thành 180 cây cầu cho các địa phương miền núi tiến tới đến năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ 4.100 cây cầu cho các xã, thôn, bản miền núi như kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải.
Chủ tịch QH mong rằng Chánh án TANDTC và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện tốt các lời hứa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này.
L.Hùng – K.Thanh