Báo Công An Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Đà Nẵng cần sớm khai phóng nguồn lực đất đai

Thứ sáu, 03/07/2020 09:13

Vướng quy hoạch, vướng thanh tra, nguồn lực đất đai của Đà Nẵng bị trói buộc, chưa thể khơi mở, tạo thành động lực phát triển. Nếu tư duy xa hơn, giải phóng được nguồn lực từ đất, con số 53 ngàn tỷ đồng đầu tư công cho giai đoạn tới chưa là gì... Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ trong buổi làm việc với HĐND TP mới đây.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.

Làm bài bản sợ gì sai

Nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 5 năm tới của Đà Nẵng dự kiến khoảng 53 ngàn tỷ đồng, trong đó các khoản khai thác từ đất khoảng 22 ngàn tỷ đồng, nguồn vay gần 8 ngàn tỷ đồng... Nhiều ý kiến lo lắng nguồn 53 ngàn tỷ đồng khó huy động khi mà áp lực đi vay lớn, nguồn vốn xin Trung ương ngày càng khó. Tuy nhiên, ông Thơ cho rằng, nguồn lực đất đai của Đà Nẵng còn lớn, vấn đề có chịu làm để khai mở, giải phóng hay không. Chứ nếu giải phóng được, 53 ngàn tỷ đồng chưa là gì.“Tôi đơn cử như sân golf Đa Phước, mình chuyển lên thành đô thị, gần trăm ha đó thu chục ngàn tỷ, chẳng có gì phải tính. Hay sắp tới đưa ra đấu giá các khu trên đường Võ Văn Kiệt hơn 6 ha, tính giá thương mại dịch vụ cũng 6-7 ngàn tỷ đồng. Đó là những khu đất trước mắt, chưa kể đất đai các khu vực khác còn lại lâu nay chưa khai thác”- ông Thơ nói. Cũng theo ông Thơ, 15 ngàn lô đất TĐC còn dư (dù bố trí TĐC vẫn thu tiền) chưa nói đến hàng trăm khu đất lớn, tính nhẩm, 53 ngàn tỷ đồng chưa là gì. “Điều quan trọng là công trình ấy có hữu ích hay không? 53 ngàn tỷ đó có đáp ứng được mục tiêu để triển khai các công trình động lực, trọng điểm để phục vụ phát triển kinh tế xã hội hay không?. Chúng ta có thể nghĩ ra nhiều công trình nữa bởi vì nhiệm kỳ tới tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn, việc đầu tư công vào hạ tầng chủ chốt cũng là một công cụ để kích thích kinh tế xã hội phát triển”, ông Thơ nhìn nhận.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, Đà Nẵng còn rất nhiều nguồn lực cần phải khai thác. Quan điểm đất đai phải được giải phóng, đầu tư vào các công trình lớn, mang lại hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Không mắc gì để cái khó bó cái khôn. Ông Thơ nói: “Trước đây anh Bá Thanh tuyên bố mấy câu giờ vẫn còn nguyên giá trị, rằng mở đường, mở đường, mở đường. Đường đến đâu phố xá đến đó, đất đai lên giá tới đó, nguồn lợi thu từ đất tiếp tục đầu tư cho hạ tầng đô thị.

Bây giờ chỉ khó cái giải tỏa đền bù, các địa phương phải chịu khó, lo vào giải tỏa, vận động người dân. Chúng ta sẽ giải phóng, khai mở đô thị, làm cho Đà Nẵng tưng bừng trở lại. Những dự án mới làm bài bản chẳng có gì phải sợ sai phạm hết. Ngày xưa làm tắt nhiều quá mới dẫn tới thiếu đầu hụt đuôi chứ bây giờ làm bài bản, kêu gọi đầu tư chuẩn mực thì chẳng có vấn đề gì”.

Quan điểm đã rõ, vấn đề còn lại cách làm. Ông Thơ dẫn chứng như dự án di dời ga Đà Nẵng, làm theo hình thức BT không được thì phải nghĩ ra cách khác. Tương tự là dự án mở rộng QL14B, nếu để chờ Bộ GTVT làm thì không biết đến bao giờ. Vì nhu cầu phát triển đã bức thiết, Đà Nẵng buộc phải kiến nghị Bộ để thực hiện toàn bộ phần giải phóng mặt bằng, Bộ chỉ thực hiện xây lắp. Khi đưa ra, Bộ GTVT đồng ý, ghi vốn ngay. “Nếu cứ chờ, có thể đỡ được vài trăm tỷ, nhưng cái mất lớn hơn nhiều, mất cơ hội phát triển. Con đường đó khơi thông, kết nối với Quảng Nam mở ra rất nhiều triển vọng, lúc đó Hòa Vang với Đại Lộc là một thôi”, ông Thơ kể.

Đà Nẵng đang mở rộng đô thị về phía Bắc.

Đừng dựa dẫm đi xin

Ông Thơ cho rằng, muốn phát triển nhanh phải dựa vào nguồn lực chính mình. Lâu nay cứ hay dựa dẫm, đi xin Trung ương. Xin cũng tốt, nhưng mà rõ ràng việc đi xin rất vất vả. Trong khi TP giải phóng một khu nhỏ nhỏ thôi là đã có được vài ngàn tỷ đồng mà làm rất nhanh, rất chủ động. “Tôi thấy lịch sử phát triển của các thành phố, đô thị bằng nội lực là chính, chứ còn cứ nghĩ đi xin xỏ không mang lại hiệu quả nhanh. Thời kỳ của anh Bá Thanh nếu cứ đi xin TW thì sao có được TP như ngày hôm nay. Cho nên phải nghĩ, sử dụng nguồn lực của mình”. Ông Thơ nói như vậy và cho biết thêm, hiện nhiều dự án của Đà Nẵng đầu tư bằng nguồn vốn TW xây xong đã lâu nhưng TW vẫn còn nợ vốn, như cầu Trần Thị Lý, cung thể thao Tiên Sơn, Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân… Tổng cộng mấy ngàn tỷ, năm nào cũng đòi mà đã được đâu.

Từ thực tế đó, ông Thơ cho rằng cần có tầm nhìn rộng mở hơn để khai mở nguồn lực địa phương. Đừng để nguồn lực vẫn là của TP mà không làm gì thì nó cứ nằm miết đó. Ví dụ mở một con đường qua mà không khai thác, không làm gì để quỹ đất đó càng ngày càng xâm lấn, cũng rách việc.

Chủ tịch UBND TP nói, nhiệm kỳ tới Đà Nẵng có điều kiện để phát triển, tăng tốc trở lại. Để làm được việc đó, chính quyền cần thông qua những chương trình kích cầu, kêu gọi đầu tư. Một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển là cơ chế đặc thù về tài chính, quy hoạch mà Quốc hội sẽ có Nghị quyết. “Tại sao tôi bu bám đến cùng câu chuyện trần nợ vay. Trước đây trần vay lên tới 40% thì giờ lên 60% trên tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong phạm vi phân cấp. Làm như vậy để TP có khoản tiền đủ lớn tính toán dồn sức làm một số công trình có ý nghĩa. Ví dụ về tái định cư, lâu nay khó khăn nên làm manh mún, một con đường như vậy “xẻo” ra vài héc-ta, không khớp nối được. Bây giờ cần có vài ngàn tỷ, làm hẳn một đô thị lớn để tái định cư. Chẳng hạn gần TTHC Hòa Vang làm một dự án đô thị TĐC vài trăm héc-ta, khớp nối hạ tầng đồng bộ, thông suốt, toàn bộ dân cư giải tỏa các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong… đưa hết về đó. Còn lại quỹ  đất giải tỏa xung quanh giữ lại dự trữ phát triển, rừng giữ rừng, núi giữ núi. Tôi bu bám muốn xin cơ chế đó để các đồng chí nhiệm kỳ sau có nguồn lực đủ mạnh, tính toán làm được các dự án lớn, trọng điểm, thì mới ra câu chuyện lớn phát triển TP được”, ông Thơ chia sẻ.

Với cơ chế đặc thù về tài chính được Quốc hội thông qua, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã hoàn thành, thời gian tới Đà Nẵng có nhiều cơ hội giải phóng nguồn lực đất đai, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm tạo động lực phát triển mạnh mẽ.

HẢI QUỲNH